Ảnh minh họa.
Nghĩa vụ giao hàng
Thông thường, hợp đồng mua bán hàng hoá (HĐMBHH) quy định địa điểm cụ thể để tiến hành giao hàng. Nếu không có thoả thuận nào về nơi giao hàng thì, theo Điều 31 của CISG, việc giao hàng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp.
Nếu HĐMBHH quy định về việc vận chuyển hàng hoá thì người bán phải giao hàng cho người chuyên chở (carrier) đầu tiên để chuyển giao cho người mua. Nếu HĐMBHH không quy định về việc vận chuyển hàng hoá và HĐMBHH liên quan tới hàng hoá đặc định hoặc hàng hoá đồng loại được lấy ra từ một khối lượng hàng xác định, hoặc được sản xuất tại một địa điểm cụ thể; và tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên đã biết rằng hàng hoá đã ở địa điểm đó hoặc được sản xuất tại địa điểm đó thì người bán có nghĩa vụ giao hàng dưới sự sắp xếp của người mua tại địa điểm đó . Trong tất cả các trường hợp khác, người bán phải giao hàng theo sự sắp xếp của người mua tại trụ sở kinh doanh của người bán tại thời điểm giao kết hợp đồng .
Theo Điều 33, người bán phải giao hàng vào ngày đã được thoả thuận trong hợp đồng hoặc được hiểu ngầm trong hợp đồng . Nếu ngày giao hàng không được ấn định, thì nguyên tắc về sự hợp lí sẽ được áp dụng . Cụ thể, đối với những hàng hoá dễ phân huỷ (hải sản, nông sản…) thì người bán phải giao hàng trong một khoảng thời gian ngắn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.
Người bán phải giao hàng hoá phù hợp. Tính phù hợp của hàng hoá được quy định cụ thể từ điểm (a) tới (d) tại Điều 35(2) của CISG. Theo đó, hàng hoá phải đúng chất lượng, số lượng và mô tả được quy định trong hợp đồng và được đóng gói theo cách thức đã được yêu cầu rõ ràng trong hợp đồng, hoặc theo cách đóng gói thông thường. Thêm vào đó, người bán phải giao những hàng hoá không bị phụ thuộc vào bất cứ quyền hạn hay khiếu nại nào của bên thứ ba, trừ trường hợp người mua đồng ý nhận loại hàng bị phụ thuộc vào quyền hạn và khiếu nại như vậy . Người bán phải bảo vệ bên mua không chỉ để chống lại những khiếu nại đủ căn cứ, mà còn cả những khiếu nại thiếu căn cứ.
Nghĩa vụ giao chứng từ liên quan tới hàng hoá
Nghĩa vụ giao chứng từ của người bán được quy định tại Điều 34 của CISG. Cụ thể, người bán phải giao cho người mua các chứng từ liên quan tới hàng hoá tại thời điểm, địa điểm và theo cách thức được quy định trong hợp đồng. Thông thường, người bán phải giao chứng từ “vào thời điểm và dưới hình thức mà chúng cho phép người mua (i) nắm quyền sở hữu đối với hàng hóa từ tay người chuyên chở khi hàng hóa đến nơi giao hàng, (ii) thực hiện thủ tục thông quan và (iii) tiến hành khiếu nại người chuyên chở hoặc công ty bảo hiểm nếu cần” .
CISG không xác định các loại chứng từ liên quan đến hàng hóa mà người bán có nghĩa vụ phải giao. Các bên có thể thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Các chứng từ “liên quan đến hàng hóa” có thể là vận đơn, biên nhận hàng của cảng, kho bãi, chứng từ bảo hiểm, hóa đơn thương mại, các loại giấy chứng nhận (về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ) hoặc theo các quy định khác của INCOTERMS.
Các chứng từ này người bán có thể giao trước, cùng lúc hoặc bảo lưu thời hạn giao tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng, theo thói quen được thiết lập giữa hai bên hoặc theo tập quán thương mại. Trong trường hợp người bán giao chứng từ trước thời hạn thì, theo Điều 34, người bán có thể, trước khi hết thời hạn quy định sẽ giao chứng từ, loại bỏ bất kỳ điểm nào không phù hợp với chứng từ với điều kiện là việc làm này không gây cho người mua một trở ngại hay phí tổn vô lý nào. Tuy nhiên, người mua vẫn có quyền đòi người bán bồi thường thiệt hại chiếu theo CISG .
Nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu về hàng hoá
Người bán có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu về hàng hoá theo quy định tại Điều 42.1 của CISG. Quy định này được đưa ra để đảm bảo quyền sở hữu thực sự của người mua đối với hàng hóa sau khi nhận chuyển giao từ người bán .
Người bán bị coi là vi phạm Điều 42 CISG khi và chỉ khi người mua chứng minh đủ ba điều kiện:
(i) Người bán phải biết hoặc không thể không biết về những quyền hạn hoặc yêu cầu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp hay quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của người thứ ba tại thời điểm giao kết hợp đồng;
(ii) Các quyền và yêu cầu của người thứ ba phải dựa trên quy định của quốc gia được xác định theo Điểm a và Điểm b của Điều 42.1 của CISG; và
(iii) Các điều kiện được nêu tại Điều 42.2 không tồn tại trên thực tế.
Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của mình, người mua có nghĩa vụ gửi thông báo cho người bán về việc này theo quy định tại Điều 43 của CISG.
Nghĩa vụ giao kết hợp đồng chuyên chở và mua bảo hiểm hàng hóa
Nghĩa vụ giao kết hợp đồng chuyên chở và mua bảo hiểm cho hàng hóa của người bán được quy định tại Điều 32 của CISG với ba trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, nếu sự cá biệt hóa không được thực hiện khi hàng hóa đã được giao cho người thứ ba (người chuyên chở), người bán phải cho phép người mua tiến hành nhận diện hàng hóa bằng cách thông báo cho người mua biết về việc họ đã gửi hàng kèm theo chỉ dẫn để nhận biết hàng hoá.
Thứ hai, khi người bán có nghĩa vụ thu xếp việc vận chuyển hàng hóa, người bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới nơi giao hàng bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường. Tuy nhiên, người bán không có nghĩa vụ sử dụng những phương tiện vận chuyển đặc biệt trừ trường hợp các bên có thỏa thuận riêng biệt.
Thứ ba, nếu người bán không có nghĩa vụ bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển, thì nếu người mua yêu cầu, người bán có nghĩa vụ phải cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.
======================= 1. UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods 2016. 2. VIAC – Trường Đại học Ngoại thường, 101 câu hỏi – đáp về Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG). 3. UNCITRAL Secretariat, Commentary on the Draft Convention on Contracts for the International Sale of Goods prepared by the Secretariat, A/CONF.97/5. http://www.uncitral.org/pdf/a_conf.97_5-ocred.pdf. |
MỸ LINH