Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Liên quan đến việc cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland quyết định thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất vì sử dụng chất không được phép, ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 02 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe sắp có hiệu lực vào ngày 01/9/2021, chất Ethylene Oxide không nằm trong Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ban hành kèm theo. Đồng thời, chất Ethylene Oxide cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Do đó, cần phải đợi kết luật điều tra của Bộ Công thương về sự việc này.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.
Tại Việt Nam, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực thẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực thẩm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực thẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì các chủ thể còn phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, hiện nay, ở mỗi quốc gia khác nhau lại có những quy chuẩn an toàn thực phẩm khác nhau. Sở dĩ có điều này vì việc xây dựng quy chuẩn an toàn thực phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc thù của mỗi quốc gia như: thời tiết, khí hậu, môi trường, sức khỏe con người… Do đó, trước khi sản xuất thực phẩm để tiêu thụ trong một quốc gia, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ lưỡng quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc gia mục tiêu để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp.
Ở Việt Nam, nhìn chung các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đã được quan tâm ban hành đồng bộ hơn phục vụ yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Các quy chuẩn về an toàn thực thẩm của nước ta hiện nay đều được ban hành trên cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex), một số quy định chưa có trong Codex hoặc đặc thù của quốc gia thì đều hài hòa với quy định các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước ASEAN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Việc Ireland thu hồi một số sản phẩm ăn liền của Acecook Việt Nam vì cho rằng chứa chất Ethylene Oxide gây ung thư đã gây hoang mang dư luận. Sau khi nhận được thông tin này, Bộ Công thương Việt Nam cũng đang cho điều tra làm rõ và rà soát toàn bộ quy trình, nguyên liệu, sản phẩm của Acecook. Để xác định được trách nhiệm của Acecook đối với khách hàng tiêu thụ cũng như pháp luật phải đợi kết luận điều tra chính thức của Bộ Công thương.
Trường hợp nếu đúng trong sản phẩm mỳ của Acecook có chứa chất Ethylene Oxide có khả năng gây ung thư thì Acecook có trách nhiệm phải xin lỗi công khai, dừng hoạt động sản xuất và thu hồi toàn bộ số mỳ hiện đang được sản xuất và lưu thông, đồng thời bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trách nhiệm nào cho cơ quan quản lý Nhà nước?
Trước vấn đề một sản phẩm có chất cấm lại có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định, theo pháp luật về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Ethylene Oxide không nằm trong Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe sắp có hiệu lực vào ngày 1/9/2021, đồng thời, cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Vì vậy, trường hợp trong sản phẩm mỳ ăn liền của Công ty Acecook có chứa chất Ethylene Oxide vẫn có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa là sản phẩm mỳ ăn liền cần phải có các chứng từ cần thiết để khai báo hải quan xuất khẩu cho mặt hàng này, trong đó có việc đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm mì, phở ăn liền và tự công bố sản phẩm. Việc kiểm nghiệm này do doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ và chọn nộp cho một trong các cơ quan được cấp phép bởi Bộ Y tế cho phép kiểm nghiệm sản phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm và giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm. Trường hợp kiểm nghiệm đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng thư kiểm nghiệm. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệm kèm theo chứng thư kiểm nghiệm cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
Như vậy, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm hoàn toàn do các cơ quan được cấp phép bởi Bộ Y tế cho phép kiểm nghiệm sản phẩm cung cấp, đối với các sản phẩm làm thủ tục tự công bố, doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Vì vậy, trường hợp xảy ra sự việc sản phẩm có chất cấm vẫn có thể xuất khẩu thì cần phải xem xét lại chứng thư kiểm nghiệm sản phẩm do cơ quan nào cấp, cơ quan đó sẽ có trách nhiệm với kết quả kiểm nghiệm của mình với Bộ Y tế.
NGỌC ANH