Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (ảnh trái) cùng đại diện Học viện Quân y tại họp báo công bố nghiên cứu thành công kit test Covid-19.
Khởi tố, bắt giữ 2 cán bộ thuộc Học viện Quân y trong vụ Việt Á
Chấp hành Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 21, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp Quân đội báo cáo kết quả điều tra, xác minh về các sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao Đề tài Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) và sai phạm trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á.
Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá: Sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Học viện Quân y về tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 353 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356, Bộ luật Hình sự và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 Điều 222, Bộ luật Hình sự.
Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.
Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư pháp Quân đội, khẩn trương mở rộng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.
Khung hình phạt cao nhất
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá: Việc cơ quan điều tra khởi tố thêm một số bị can là cán bộ Học viện Quân y là điều đã được dự báo từ trước, sau khi có rất nhiều thông tin sai phạm từ đơn vị này liên quan đến dự án nghiên cứu kit test xét nghiệm Covid-19 với Việt Á. Vụ việc này không chỉ liên quan đến lãnh đạo và các cá nhân của Công ty Việt Á mà còn liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân khác.
"Trong vụ án này không thể không nhắc đến Học viện Quân y, đây là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với Việt Á để triển khai đề tài này. Bởi vậy, một số cán bộ lãnh đạo, những người được giao nhiệm vụ ở trong đề tài này không thể vô can. Căn cứ vào kết quả điều tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cấp cao ở Học viện này và chỉ ra rất nhiều sai phạm của các cán bộ có liên quan. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng tiến hành kỷ luật và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", Luật sư Cường nói.
Đến nay, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố hai bị can về 3 tội danh đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" là tội danh sẽ được áp dụng đối với nhiều bị can trong vụ án này khi các bị can tham gia vào các quy trình thực hiện hoạt động đấu thầu để mua sắm các loại vật tư y tế, các kit test xét nghiệm Covid-19 nhưng đã vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm về công khai minh bạch, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu... gây ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Theo Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Với những bị can chỉ phạm một tội danh là tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận thì có thể sẽ phải chịu chế tài đến 20 năm tù.
Theo quy định của pháp luật thì người nào vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. |
Như vậy, trường hợp kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ là khung cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đối với bị can lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm này được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất có thể là tử hình.
Theo Luật sư Cường, trong vụ án này, chỉ vì lợi ích cá nhân, muốn thu lợi bất chính mà họ đã bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh, tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch bệnh và gây hệ lụy khôn lường cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền. Hành vi của các bị can cần phải được xác minh làm rõ, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Sẽ tách vụ án hình sự chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra theo thẩm quyền
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật thì cơ quan tố tụng thuộc Quân đội sẽ giải quyết đối với những vụ án mà các bị can, bị cáo là quân nhân. Bởi vậy, trong vụ án này, vụ việc sẽ do cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra và Viện Kiểm sát Quân sự sẽ kiểm sát quá trình điều tra và thực hiện quyền công tố, Tòa án Quân sự sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án này theo quy định của pháp luật. Những bị can là cựu quân nhân sẽ được tách vụ án để chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan điều tra trong Quân đội điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự được quy định tại Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, Tòa án Quân sự có thẩm quyền xét xử: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng tại quy định nêu trên liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Điều 273 của Bộ luật này cũng quy định về việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự. Theo đó, khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện như sau: Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án Quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án Quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
TIẾN HƯNG
Xem xét, xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ Học viện Quân y liên quan vụ kit xét nghiệm Việt Á