/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng nhà trên 16 thửa đất đấu giá tại Ứng Hòa, Hà Nội

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng nhà trên 16 thửa đất đấu giá tại Ứng Hòa, Hà Nội

31/05/2022 04:16 |

(LSVN) – Một cụ bà trên 80 tuổi trúng đấu giá cùng lúc 16 thửa đất tại thôn Nam Chính, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội và đã xây dựng nhà trên diện tích tích đất này theo kiểu “gộp thửa”. Việc này đang gây ra những “hoài nghi” đối với người dân địa phương về tính minh bạch của công tác đấu giá, đồng thời đặt ra những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc.

Khu đất có 3 mặt tiền, ngay cạnh ngã tư đường liên thôn.

Cụ bà trên 80 tuổi mua trúng đấu giá tổng cộng khoảng 16 thửa đất

Thông tin với báo chí về một biệt thự trên khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông tại thôn Nam Chính, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, ông Dương Văn Đãi, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết, chủ sử dụng khu đất là một cụ bà đã trên 80 tuổi do đã mua trúng đấu giá tổng cộng khoảng 16 thửa đất từ năm 2018…

Được biết, khu đất vốn là đất công, đất công ích (5%) của xã nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để tổ chức bán đấu giá từ năm 2018 - 2019. Việc quy hoạch khu dân cư và chuyển mục đích sử dụng đất do huyện Ứng Hòa thực hiện, xã chỉ đề xuất địa điểm khu đất để tiến hành đấu giá với mong muốn có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Ông Dương Văn Đãi cho biết, khu đất được quy hoạch tổng cộng khoảng 16 thửa đất, mỗi thửa rộng khoảng 100m2. Tuy việc đấu giá được lãnh đạo địa phương cho là “công khai” nhưng trên thực tế chỉ có một người duy nhất mua trúng đấu giá toàn bộ các thửa đất trong khu đất trên là cụ V. (năm nay trên 80 tuổi, người thôn Nam Chính).

Biệt thự trên được xây dựng trên khuôn viên đất khá vuông vức với 3 mặt tiền (một mặt ngõ, hai mặt đường liên thôn) tại đầu thôn Nam Chính. Với 1 tòa biệt thự có chiều cao 3 tầng, thiết kế khá hiện đại nằm trong khuôn viên sân vườn có nhiều cây cảnh cao lớn, kế đó là 3 gian nhà mái ngói kiểu cổ và hệ thống cổng, hàng rào kiên cố,...

Pháp luật quy định như thế nào về đầu giá?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản, trừ trường hợp đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá được quy định tại Điều 49 của Luật Đấu giá tài sản.

Tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cũng quy định rõ nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan, tại Điều 70 Luật cũng quy định rõ: “Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, mọi hành vi làm lộ bí mật, tiếp tay, môi giới, móc ngoặc, thông đồng với những người tham gia đấu giá, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, cố tình làm cho cuộc đấu giá không thành thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm sẽ mất quyền tham gia đấu giá, bị đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, mặc dù việc đấu giá được lãnh đạo địa phương cho là “công khai” nhưng trên thực tế chỉ có một người duy nhất mua trúng đấu giá toàn bộ các thửa đất trong khu đất trên là cụ V. (năm nay trên 80 tuổi, người thôn Nam Chính). Điều này khiến nhiều người cho rằng cuộc đấu giá còn thiếu khách quan, minh bạch. Vì vậy, cần làm rõ trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá 16 thửa đất này liệu có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, liệu có dấu hiệu thông đồng với nhau để trúng đấu giá hay không? Nếu có thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quy định của pháp luật về việc xây dựng nhà và công trình liền kề theo kiểu “gộp thửa”

Theo quy định của pháp luật thì có 3 điều kiện hợp thửa, cụ thể là:

- Thứ nhất: Các thửa đất phải có cùng mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm 2.3, khoản 2, Điều 8 của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT. Trong trường hợp hai thửa đất không có cùng mục đích sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

- Thứ hai: Các thửa đất phải liền kề nhau theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.

- Thứ ba: Phần diện tích thửa đất sau khi hợp lại không được vượt hạn mức theo quy định. Nếu ngoài hạn mức theo quy định, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin, sau khi mua trúng đấu giá, bà V. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng trường hợp này các thửa đã có quy hoạch thì sẽ không thể gộp thửa chung được theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng đất, gộp thửa hoặc tách thửa đối với 16 thửa đất nêu trên cần phải tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức đấu giá.

Vì vậy, cần làm rõ việc xây dựng kiểu “gộp thửa” nêu trên liệu có phù hợp với quy định của pháp luật không, có tuân thủ quy hoạch đã được duyệt hay không?

Xây dựng biệt thự trên 16 thửa đất có được miễn giấy phép?

Tại điểm k Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (quy định có hiệu lực tại thời điểm năm 2019) đã quy định một số trường hợp được “miễn giấy phép xây dựng” tại nông thôn, trong đó có “nhà ở riêng lẻ ở nông thôn”. Cụ thể: “Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa”.

 “Nhà ở riêng lẻ” ở đây được định nghĩa là “công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật”, tức là công trình phải được xây dựng trong khuôn viên của thửa đất chứ không phải công trình xây “ghép thửa” với diện tích thửa bên cạnh, không đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Vì vậy, cần làm rõ việc xây dựng và ghép thửa trong khu đất nêu trên có cần cấp phép hay không và bà V. có được cấp phép xây dựng hay chưa?

Nghiêm túc triển khai thực hiện quy định pháp luật về đấu giá

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện quy định pháp luật về đấu giá.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường.

Đồng thời, chủ động lấy ý kiến góp ý các sở, ngành có liên quan đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản do Sở dự thảo để hoàn thiện trước khi trình UBND thành phố ban hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá của UBND các quận, huyện, thị xã. Việc tổ chức xác định giá khởi điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che đối với vi phạm về thẩm định giá, đấu giá.

Đối với Sở Tư pháp, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Cùng đó, cung cấp thông tin về tổ chức hành nghề đấu giá đến các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản theo thẩm quyền.

Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính kịp thời kiểm tra hoạt động thẩm định giá tài sản; quy trình, quy chuẩn tổ chức định giá của các tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy định của pháp luật về xác định giá để làm giá khởi điểm đối với tài sản đấu giá là tài sản công; bảo đảm giá khởi điểm của tài sản đấu giá sát với giá thị trường.

Công an thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản công giá trị lớn, quyền sử dụng đất nhằm trục lợi.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND thành phố trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên địa bàn theo thẩm quyền. Ngoài ra, xây dựng phương án lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công theo đúng quy định, việc lựa chọn, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, bảo đảm công khai, minh bạch.

PV

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

Lê Minh Hoàng