Hiện trường vụ án. Ảnh: VOV.
Theo thông tin từ lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, sáng ngày 30/4, 4 người đàn ông đi trên chiếc xe Jeep đến trước cổng nhà ông C.T.P. (SN 1962) ở xóm 7 xã Nghi Kim, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Người dân xung quanh đó nghe thấy nhiều tiếng nổ súng và phát hiện 2 người đàn ông trúng đạn gục chết tại chỗ. Hai nạn nhân tử vong được xác định là N.A. và H.
Ngay sau đó, Công an TP. Vinh lập tức có mặt phong tỏa hiện trường, đồng thời tiếp cận tìm cách thuyết phục nghi phạm đầu thú, khống chế nghi phạm. Hàng trăm cảnh sát, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, siết chặt vòng vây kiên trì vận động nghi phạm.
Đến đầu giờ chiều 30/4, nghi phạm đã được khống chế, được dẫn giải khỏi hiện trường. Thi thể các nạn nhân cũng được đưa đến trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An khám nghiệm.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bởi quyền sống là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người. Điều 19 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Như vậy, có thể nói trong bất kỳ trường hợp nào thì quyền sống hay tính mạng của công dân được pháp luật bảo hộ và không ai có quyền tước đoạt một cách trái luật. Do đó, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Xử lý hình sự
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng những nghi phạm trong vụ án nêu trên có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Giết người”. Theo đó, người nào giết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần điều tra làm rõ hành vi sử dụng súng của nghi phạm là loại súng gì để xử lý thêm hành vi của tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự hoặc về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự” được quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. |
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
LINH CHI
Hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm