/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang nhận hối lộ

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang nhận hối lộ

13/11/2022 02:39 |

(LSVN) - Vừa qua, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã bắt quả tang ông Châu Văn Mỹ (52 tuổi, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu) đang nhận tiền hối lộ của nữ bị cán D.H.T. (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) tại nhà nghỉ thuộc khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu. Theo đó, ông Mỹ yêu cầu nữ bị can trong vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" phải quan hệ tình dục và đưa tiền (100 triệu đồng) thì sẽ cho hưởng án treo. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ, mức xử phạt đối với các hành vi này ra sao?

 

Ảnh minh họa.

Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đây là một trong những vụ án rúng động trong ngành tư pháp, bởi người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là người giữ chức vụ Phó Chánh án của Tòa án cấp tỉnh ở một địa phương; hành vi bị khởi tố, bị bắt giữ liên quan đến tội phạm về tham nhũng và xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, xâm hại tình dục mà còn thể hiện sự suy đồi về đạo đức lối sống của cán bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Có thể đối diện với 2 tội danh

Theo Luật sư Cường, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Đặc biệt là hành vi quan hệ tình dục đã diễn ra hay chưa, có bị ép buộc hay không, hành vi này là hối lộ tình dục hay là cưỡng dâm để xác định xử lý bị can về một tội danh hay nhiều tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự.

"Trong trường hợp này, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu về 02 tội danh là tội "Nhận hối lộ" và tội "Cưỡng dâm" theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu có căn cứ cho thấy ông Phó Chánh án này đã lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân để ép buộc nạn nhân phải quan hệ tình dục trái ý muốn", Luật sư Cường nêu rõ quan điểm.

Về mặt lý luận, cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 354 và Điều 364 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì có thể sẽ xảy ra trường hợp người nhận hối lộ bị xử lý hình sự nhưng người đưa hối lộ lại không bị xử lý.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, đối với người đưa hối lộ mà bị ép buộc, chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự: "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Điều 354 Bộ luật Hình sự nêu rõ người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào theo quy định cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ... thì bị xử lý hình sự về tội "Nhận hối lộ". 

Bộ luật Hình sự 2015 quy định của hối lộ ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Nếu là lợi ích vật chất thì trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ngoài ra, của nhận hối lộ còn có thể là lợi ích phi vật chất (khen thưởng, thăng chức, quan hệ tình dục,...) thì hành vi cũng cấu thành tội phạm. Hình phạt đối với tội "Nhận hối lộ" là rất nghiêm khắc, nếu của nhận hối lộ trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người nhận hối lộ sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là "bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình". 

Luật sư Cường cho rằng: Trong vụ án này, nếu bị kết án về tội "Nhận hối lộ" với số tiền 100.000.000 đồng thì ông Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Người đưa hối lộ cũng có thể bị xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào theo quy định để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị xử lý về hành vi đưa hối lộ.

Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Với số tiền đưa hối lộ từ 100.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 364 Bộ luật Hình sự. 

Luật sư Cường phân tích thêm: "Điều đáng chú ý trong vụ án này là pháp luật quy định trong một số trường hợp người đưa hối lộ không bị xử lý hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự quy định: "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ". Bởi vậy, trong vụ án này nếu có căn cứ cho thấy người đưa hối lộ đã bị ép buộc về việc phải đưa hối lộ và đã chủ động trình báo sự việc với cơ quan điều tra trước khi bị phát hiện thì sẽ không bị xử lý hình sự và còn được nhận lại của đưa hối lộ".

Ngoài ra, khoản 8, Điều 364 Bộ luật Hình sự cũng quy định: "Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

TIẾN HƯNG

Sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin

Lê Minh Hoàng