/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ sai phạm của 9 Trung tâm đăng kiểm ở TP. HCM và các tỉnh

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ sai phạm của 9 Trung tâm đăng kiểm ở TP. HCM và các tỉnh

29/12/2022 08:38 |

(LSVN) - Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt 23 bị can để tạm giam về các tội "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" liên quan đến sai phạm của 9 Trung tâm đăng kiểm ở TP. HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về các tội danh trên? Các đối tượng có thể đối diện với mức hình phạt như thế nào?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: Hành vi vi phạm pháp luật của các Trung tâm đăng kiểm là rất nghiêm trọng. Trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, vấn đề đăng kiểm xe cơ giới là một khâu rất quan trọng để kịp thời phát hiện, loại bỏ những phương tiện không đảm bảo an toàn; đồng thời ngăn ngừa những phương tiện không đảm bảo tham gia giao thông. Nếu cơ quan đăng kiểm không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc phát sinh tiêu cực thì có nguy cơ sẽ bỏ lọt các phương tiện không đảm bảo an toàn để tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. 

Theo quy định tại Điều 354 và Điều 364 Bộ luật Hình sự, hành vi đưa hối lộ là hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa. Còn nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã trực tiếp hoặc qua trung gian nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của họ.

"Trường hợp, cơ quan điều tra có căn cứ cho rằng cán bộ của các Trung tâm đăng kiểm này đã nhận tiền của chủ xe hoặc của người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của chủ xe là bỏ qua các lỗi sai phạm mà vẫn đăng kiểm cho các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn thì đây là hành vi nhận hối lộ và người đã chi tiền để thực hiện công việc được xác định là người đưa hối lộ", Luật sư Cường nói.

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự thì tội "Nhận hối lộ" có mức hình phạt thấp nhất là 02 năm tù, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, tùy thuộc vào số tiền nhận hối lộ và hậu quả đã gây ra đối với xã hội. Nếu số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Trường hợp tài sản nhận hối lộ có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng hành vi được xác định là phạm tội từ hai lần trở lên hoặc có tổ chức thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Với những đối tượng không trực tiếp thực hiện hành vi đăng kiểm sai quy định nhưng có bàn bạc thống nhất với nhau về việc sẽ nhận tiền để đăng kiểm sai quy định, có ăn chia số tiền đó thì cũng đều được xác định là đồng phạm và đều bị xử lý về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Còn đối với các đối tượng là chủ xe, người được giao phân công nhiệm vụ đăng kiểm xe mà lại chi tiền cho cán bộ đăng kiểm để thực hiện việc đăng kiểm sai quy định thì đây là hành vi đưa hối lộ. Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 364 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 06 tháng tù và cao nhất là 20 năm tù.

Ngoài ra, điều luật này còn có quy định: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Như vậy, trong vụ án này nếu người nào đã đưa tiền để được đăng kiểm sai quy định chưa bị cơ quan chức năng phát hiện mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này không chỉ có người đưa hối lộ, người nhận hối lộ bị xử lý hình sự mà có cả những người "trung gian" cũng bị xử lý về tội "Môi giới hối lộ" theo quy định của Bộ luật Hình sự. Hành vi môi giới hối lộ là hành vi "trung gian", "kết nối" giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội khiến cho hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ có thể được diễn ra thuận lợi, gây ra những tiêu cực xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước và làm suy giảm niềm tin của người dân đối với nhà nước. Theo đó, người thực hiện hành vi môi giới hối lộ cũng sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm tù tùy vào tính chất mức độ hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm một tội danh khác là tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự. Tội danh này xử lý đối với người có chức vụ quyền hạn, mặc dù không thực hiện hành vi nhận hối lộ, không có thoả thuận trực tiếp hoặc qua trung gian với chủ xe cơ giới để thực hiện hành vi đăng kiểm sai quy định nhưng vì yếu tố vụ lợi nên đã thực hiện hành vi trái quy định cấp đăng kiểm không đúng quy định thì sẽ bị xử lý về tội danh này. Tội "Giả mạo trong công tác" có mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Luật sư Cường đánh giá: "Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận nên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh với các đối tượng có liên quan theo quy định pháp luật".

TIẾN HƯNG

Cảnh báo mạo danh Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi

Bùi Thị Thanh Loan