/ Luật sư - Bạn đọc
/ Website phimmoi.net xâm phạm bản quyền: Xử lý và đền bù thiệt hại thế nào?

Website phimmoi.net xâm phạm bản quyền: Xử lý và đền bù thiệt hại thế nào?

23/08/2021 11:47 |

(LSVN) - Về căn cứ pháp luật để khởi tố, điều tra, Luật sư Lê Anh Ngọc cho biết, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định tại Điều 225 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu do hành vi vi phạm gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Lê Anh Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty luật Nam Bình.

Ngày 19/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả tại website "www.phimmoi.net".

Bước đầu điều tra xác định, từ năm 2014, một người ngụ tại tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng internet. Để thực hiện, người này đã thuê hai cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin ở Đồng Nai để thực hiện lập trình, quản trị, vận hành website phimmoi.net.

Nhóm này đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.

Xử lý thế nào?

Về vấn đề này, Luật sư Lê Anh Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty luật Nam Bình cho biết, để phục vụ điều tra xử lý vụ án hình sự, trước hết cơ quan chức năng cần đề nghị các bị hại là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đại diện chủ thể quyền tác giả trình báo, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Về căn cứ pháp luật để điều tra khởi tố, Luật sư Lê Anh Ngọc cho biết cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định tại Điều 225 về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Ngọc phân tích thêm, đối tượng bị khởi tố phải là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý; hành vi trên xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ, trường hợp nhóm đối tượng đã có các hành vi sao chép, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh là các bộ phim có bản quyền… và dùng “công cụ phạm tội” điện tử website www.phimmoi.net để đưa ra công chúng khi không được phép của chủ thể có quyền sở hữu và quảng cáo sản phẩm các hành vi của nhóm đối tượng khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra và xác định các hành vi nêu trên đã xảy ra và xác định có thu lợi bất chính với số tiền đủ mức được quy định từ 50.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, Luật sư Lê Anh Ngọc cho biết ngoài các dấu hiệu trên thì điều kiện cần là các tác phẩm, tác giả phim được đưa ra công chúng phải đảm bảo đang được bảo hộ tại Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

Bồi thường thiệt hại

Theo Luật sư Lê Anh Ngọc, ngoài việc xử lý về mặt hình sự, đối tượng vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả. Căn cứ khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Trọng vụ việc này căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầu tiên là hành vi phạm tội đã gây thiệt hại là xâm xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; bên thiệt hại là các chủ quyền tác giả phim được xác định không cần chứng minh lỗi của nhóm người phạm tội nữa mà tiến hành khởi kiện theo pháp luật dân sự hoặc yêu cầu các cơ quan tố tụng giải quyết luôn trong bản án hình sự để yêu cầu bồi thường.

Theo quy định tại khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra... Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường và khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại... Nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường. 

Đồng thời, căn cứ khoản 4, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 về các xác định thiệt hại đối với hiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất; thiệt hại về tinh thần và thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

Thiệt hại về vật chất gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Trong vụ án này đẻ xác định được khoản tiền yêu cầu bồi thường, bên bị thiệt hại phải nêu rõ và có tài liệu thể hiện mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận trước khi xảy ra hành vi phạm tội (thu nhập, lợi nhuận mà người bị thiệt hại thu được do sử dụng, khai thác; cho thuê; chuyển nhượng... quyền tác giả).

Theo Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 thì mức bồi thường được xác định là tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất… Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện. Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo quy định thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500.000.000 đồng. 

Thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại, tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và những tổn thất khác về mặt tinh thần gây ra cho chủ sở hữu, tác giả. Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại. 

Luật sư Lê Anh Ngọc nhận định, quyền sở hữu trí tuệ luôn tạo ra và là một tài sản có giá trị lớn nên dễ xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp mà đỉnh điểm là các hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước và các quyền của tổ chức, cá nhân. Do đó việc đấu tranh, phòng ngừa các tội phạm về sở hữu trí tuệ phải được coi trọng. Nhà nước đưa ra hành lang và chế tài pháp lý; cá nhân, tổ chức có trách nhiệm đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm… Có thế, mới tạo ra môi trường kinh tế lành mạnh, kéo theo sự tin tưởng của các đối tác nhà đầu nước ngoài đầu tư tài sản, trí tuệ vào Việt Nam. 

Ngoài ra, Luật sự Lê Anh Ngọc kiến nghị vụ án cần được xét xử công khai, lưu động để vụ án có tính tuyên truyền, răn đe để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thấy được pháp luật hình sự nước ta là pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức trong tất cả các lĩnh vực không chỉ an ninh trật tự mà cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Mà cụ thể trong vụ việc này là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ đó góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường. đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ở trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại phát triển kinh tế toàn cầu, thương mại hóa theo các hiệp định quốc tế.

LINH NHI

Dự thảo Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics

Lê Minh Hoàng