/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề pháp lý về thành lập, giải thể, chuyển đổi DNTN theo Luật Doanh nghiệp 2020

Một số vấn đề pháp lý về thành lập, giải thể, chuyển đổi DNTN theo Luật Doanh nghiệp 2020

13/08/2021 16:17 |

(LSVN) - Là loại hình doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công văn việc làm cho người dân, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) từ khi ra đời đến nay luôn nhận được sự quan tâm lớn trong xây dựng chính sách pháp lý, chính sách khuyến khích phát triển. Tuy vậy, nhìn chung hiện nay DNTN ở nước ta hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chủ yếu là DNTN quy mô nhỏ và vừa, trình độ sản xuất không cao. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách, hành lang pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa loại hình này.

Ảnh minh họa. 

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, là một loại hình doanh nghiệp, nên DNTN có đầy đủ các đặc trưng chung của doanh nghiệp như có tên riêng, tài sản, trụ sở, đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, DNTN cũng có những đặc điểm riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, DNTN do một cá nhân làm chủ, đây là đặc điểm rõ nét nhất để phân biệt DNTN với các loại hình doanh nghiệp khác đó là việc DNTN được sở hữu bởi một cá nhân.

Thứ hai, DNTN không có tư cách pháp nhân. Đây là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân. Trong loại hình doanh nghiệp này không có sự phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp. Do đó, DNTN không đáp ứng được điều kiện để có tư cách pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.

Thứ ba, chủ DNTN chịu trách nhiệm vô hạn. Đối với DNTN, do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ DNTN sẽ phải chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, trách nhiệm tài sản phải gánh chịu không chỉ dừng lại ở việc góp vốn ban đầu mà phải là toàn bộ tài sản hiện có.

Thứ tư, DNTN không có quyền phát hành các loại chứng khoán: Điều này đảm bảo cho DNTN luôn giữ được tính đặc trưng của doanh nghiệp một chủ sở hữu.

Quy định của pháp luật về thành lập, giải thể, chuyển đổi DNTN

Thành lập DNTN

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì muốn thành lập DNTN, cần phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể: Mỗi DNTN chỉ do một cá nhân làm chủ là tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản, chính vì vậy, chủ thể chỉ là 01 cá nhân. Chủ sở hữu DNTN không được phép góp vốn để trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh, không được thành lập hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, chủ DNTN cũng không được góp vốn tham gia thanh lập công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. Người đăng ký thành lập DNTN phải đảm bảo có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm kinh doanh. Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành DNTN.

Thứ hai, về ngành, nghề kinh doanh: DNTN được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm và áp mã ngành theo hệ thống ngành nghề kinh tế cấp 4.

Thứ ba, tên doanh nghiệp: Khi đặt tên DNTN cần tránh trường hợp bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác. DNTN bao gồm 2 thành tố: tên loại hình và tên riêng. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là DNTN “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Tên riêng phải được gắn tại địa chỉ trụ sở chính. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ tư, về trụ sở: Muốn thành lập doanh nghiệp phải có trụ sở chính nằm trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ trụ sở cụ thể, rõ ràng. Đây là nơi doanh nghiệp hoạt động, liên lạc phục vụ cho hoạt động kinh doanh và địa điểm đặt trụ sở theo quy định của Luật Doanh nghiệp và nghị định liên quan.

Thứ năm, về vốn đầu tư: DNTN không có vốn điều lệ mà chỉ có vốn đăng ký kinh doanh của chủ doanh nghiệp, gọi là vốn đầu tư. Chủ DNTN phải đăng ký chính xác số vốn đầu tư.

Đối với thủ tục đăng ký thành lập DNTN Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc Người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp nộp trực tiếp: Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận. Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản. Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử: Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người đại diện theo pháp luật sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh. Cụ thể, đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, Luật chính thức ghi nhận các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Bên cạnh đó, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu gồm tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.

Giải thể, chuyển đổi DNTN

DNTN giải thể trong các trường hợp sau:  (i) Theo quyết định của chủ DNTN: Đây là trường hợp pháp luật quy định cho phép doanh nghiệp giải thể tự nguyện theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Việc chủ DNTN được quyết định giải thể hay không là phụ thuộc vào ý chí và lựa chọn của chủ doanh nghiệp; (ii) bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Theo quy định, để thành lập DNTN người thành lập phải đăng ký hồ sơ với cơ quan có thẩm quyền về chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có vai trò quyết định sống còn đối với doanh nghiệp. Việc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho thấy doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kinh doanh đi ngược với chính sách pháp luật hoặc không đủ năng lực tham gia hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, sự tồn tại của DNTN cũng không còn ý nghĩa và buộc phải giải thể.

Về chuyển đổi, DNTN có thể được chuyển đổi trực tiếp thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quyết định của chủ DNTN nếu đủ các điều kiện được quy định tại Điều 205 của Luật Doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021, DNTN đã có thể trực tiếp chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quyết định của chủ DNTN nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Một là, doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện sau đây: Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh; tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp; có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ; nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Hai là, chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn. Ba là, chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó. Bốn là, chủ DNTN cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DNTN.

Đây là điểm mới đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014, DNTN có thể trực tiếp chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không cần qua bước chuyển trung gian.

Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Về điều kiện thành lập DNTN

Thứ nhất, việc kê khai địa chỉ trụ sở tồn tại nhiều hạn chế do không có cơ chế hậu kiểm. Trụ sở giao dịch của doanh nghiệp không hẳn chỉ là một địa chỉ để các khách hàng đến giao dịch, đây còn là nơi tập trung hệ thống các cơ quan đầu não của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít trường hợp người đăng kí thành lập doanh nghiệp đã kê khai không đúng địa chỉ như: Ghi địa chỉ ở một nơi nhưng thực tế đặt trụ sở chính tại một nơi khác; lấy địa chỉ nhà riêng của người khác hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp làm địa chỉ trụ sở chính cho công ty mình hoặc lấy địa chỉ nhà chung cư (có mục đích để ở) làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp. Do đó, cần bổ sung khâu hậu kiểm và quy định rõ ràng, tăng trách nhiệm phải chịu của người đăng ký.

Thứ hai, quy định chưa rõ ràng cá nhân nào có quyền thành lập DNTN. Theo đó, quy định của Luật Doanh nghiệp nói rằng cá nhân, có nghĩa không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài đều được thành lập DNTN ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, người nước ngoài muốn kinh doanh loại hình do một cá nhân làm chủ ở tại Việt Nam thì không được phép thành lập loại hình DNTN mà chỉ được thành lập loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ. Do đó, cần quy định rõ ràng cá nhân nào có quyền thành lập DNTN? Người không có quốc tịch Việt Nam có được thành lập không? Nếu có cần những điều kiện gì?...

Thứ ba, điều kiện về tên doanh nghiệp: Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký; sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục dân tộc. Tuy nhiên, việc quy định về tên doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn nhưng không xác định cụ thể mức độ gây nhầm lẫn, không có các căn cứ rõ ràng. Những quy định chung như vậy đã gây ra nhiều lúng túng cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký thành lập doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, dẫn tới sự từ chối của cơ quan quản lý trong việc cấp đăng ký doanh nghiệp, chưa đảm bảo được quyền tự do thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, cần quy định căn cứ xác định cụ thể mức độ gây nhầm lẫn, tháo gỡ lúng túng cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký thành lập doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, bảo được quyền tự do thành lập doanh nghiệp.

Về chuyển đổi DNTN

Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép DNTN chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần là hợp lý, nhưng quy định về điều kiện chuyển đổi DNTN thành Công ty TNHH thì còn tồn tại điểm chưa phù hợp. Đó là, theo điểm b khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số lượng khi đến hạn. Quy định này đang hạn chế quyền của chủ DNTN và các bên liên quan trong bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Bên cạnh đó, việc xác định tài sản của chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong trường hợp xác định tài sản của chủ doanh nghiệp trong tài sản chung của vợ chồng.

Do đó, cần bổ sung 2 trường hợp xử lý nợ bên cạnh trường hợp pháp luật quy định, đó là: (i) Chủ nợ và chủ doanh nghiệp thỏa thuận về giải quyết số nợ mà không chuyển giao cho công ty sau khi chuyển đổi; (ii) Chủ nợ, chủ DNTN và các cổ đông, thành viên góp vốn vào công ty được chuyển đổi thỏa thuận về việc công ty sau khi chuyển đổi sẽ chịu trách nhiệm trả nợ và giải phóng chủ DNTN khỏi nghĩa vụ trả nợ.

VĂN LINH 

Tòa án quân sự Khu vực Hải quân

Quyền được tiếp xúc với người bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Lê Minh Hoàng