/ Tư vấn
/ Một số vấn đề pháp lý về thủ tục tách, nhập hộ khẩu

Một số vấn đề pháp lý về thủ tục tách, nhập hộ khẩu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện tại tôi và chồng muốn tách khẩu khỏi bố mẹ ở quê thì cần làm những thủ tục gì theo Luật Cư trú mới? Lệ phí đăng ký tách khẩu như thế nào? Thủ tục tách khẩu ra sao? Thủ tục để đăng ký hộ khẩu thường trú mới thế nào? Liệu sổ hộ khẩu của bố mẹ tôi đang dùng có bị thu lại hay không? Những giao dịch pháp lý nếu bố mẹ tôi cần dùng tới sổ hộ khẩu sau này thì làm như thế nào? Bạn đọc H.L.K hỏi.

Ảnh minh họa.

Giải đáp về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết:

Về hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú?

Luật cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2021) đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú cho người dân, trong đó có thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Theo đó, ví dụ khi bạn muốn chuyển nơi đăng ký thường trú từ Thanh Hóa ra Hà Nội thì bạn chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại nơi bạn chuyển đến (Hà Nội) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu tại Thanh Hóa như trước đây. Khi bạn thực hiện xong các thủ tục đăng ký thường trú mới tại Hà Nội thì kết quả sẽ được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu cư trú, tức là việc bạn chuyển nơi đăng ký thường trú từ Thanh Hoá đến Hà Nội sẽ được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu này. Do đó, bạn không cần phải trực tiếp về Thanh Hoá mà chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại Hà Nội.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 20 Luật cư trú năm 2020 quy định: "Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó". Theo quy định này, vì bạn đã có nhà ở (chỗ ở) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình tại Hà Nội nên bạn có quyền được đăng ký thường trú mới tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, để được đăng ký thường trú tại Hà Nội, bạn cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 21 và Điều 22 Luật cư trú năm 2020. Cụ thể như sau:

Trước hết, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thường trú, gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp. Sau đó, bạn sẽ nộp bộ hồ sơ này tại cơ quan Công an cấp huyện (quận) thuộc thành phố Hà Nội nơi bạn cư trú. Theo Điều 3 Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/05/2021 của Bộ Công an thì bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký thường trú thông qua 02 hình thức, đó là: Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc thực hiện đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bạn cũng cần lưu ý là tại khoản 4 Điều 22 Luât cư trú năm 2020 quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký”. Do đó, nếu bạn đã chuyển đến cư trú tại chỗ ở mới thuộc Hà Nội thì bạn có trách nhiệm đăng ký thường trú tại Hà Nội trong thời hạn 12 tháng theo quy định nêu trên.

Về lệ phí đăng ký thường trú?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính thì lệ phí đăng ký cư trú đối với việc đăng ký và quản lý cư trú gồm: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu; sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; gia hạn tạm trú, thì tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương mà HĐND cấp tỉnh sẽ có quy định cụ thể về mức thu lệ phí cho phù hợp.

Theo quy định tại khoản 1 mục A Danh mục các khoản hí và lệ phí (Kèm theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP. Hà Nội) quy định: “Miễn lệ phí khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với: Cấp hộ khẩu gia đình, cấp giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể; cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn”.

Theo quy định này, nếu bạn đăng ký thường trú mới, lần đầu tại Hà Nội thì sẽ được miễn lệ phí. Khi thực hiện đăng ký thường trú từ lần thứ hai trở đi thì bạn sẽ phải chịu lệ phí là 15.000 đồng/lần đối với các quận và các phường; và 8.000 đồng/lần đối với các khu vực khác, trừ trường hợp bạn thuộc các đối tượng không thu lệ phí theo quy định tại điểm b khoản 1 mục A Danh mục các khoản hí và lệ phí nêu trên (Hộ nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người có công với cách mạng....)

Về việc thu lại Sổ hộ khẩu khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú?

Tại khoản 3 Điều 38 Luật cư trú năm 2020 quy định: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.

Theo quy định nêu trên, kể từ ngày 01/07/2021 khi bạn thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu thì Sổ hộ khẩu của gia đình nhà chồng bạn sẽ bị cơ quan đăng ký cư trú thu hồi và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu.

Về việc thực hiện các thủ tục pháp lý và các giao dịch khi không còn Sổ hộ khẩu?

Việc yêu cầu người dân phải xuất trình, hoặc nộp (bản gốc hoặc bản sao) của Sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc tham gia các giao dịch như đăng ký ô tô, xe máy, đăng ký quyền sử dụng đất, làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, đăng ký khai sinh,… là nhằm xác định các thông tin về cư trú và nhân thân của người đó. Do đó, khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy và quản lý bằng các cơ sở dữ liệu được số hóa thì việc xác nhận các thông tin này sẽ được các cơ quan, tổ chức thực hiện bằng việc khai thác, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu dân cư. Người dân sẽ không phải xuất trình hoặc nộp (bản chính hoặc bản sao) sổ hộ khẩu như trước.

Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định số 37/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công có quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.  Mặt khác, người dân cũng có quyền “được khai thác thông tin về cư trú và các thông tin khác của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hoặc giao dịch theo quy định của pháp luật”.

Tại khoản 4 Điều 38 Luật cư trú năm 2020 có quy định: “Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính”.

Do đó, có thể khẳng định rằng những sự thay đổi của Luật cư trú năm 2020 và các quy định pháp luật có liên quan sẽ tạo ra những thuận lợi lớn hơn cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và do đó, bạn và bố mẹ bạn cũng không cần lo lắng trong trường hợp Sổ hộ khẩu của gia đình bị thu hồi theo quy định nêu trên. Trong trường hợp này, gia đình bạn vẫn có thể thực hiện các thủ tục pháp lý, hoặc các giao dịch theo quy định của pháp luật, thậm chí là với các thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn trước đây.

TRẦN MINH

Mua phải đất chồng lấn, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Lê Minh Hoàng