/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đánh thuế nhà ở: Cần phải được tính toán kỹ lưỡng

Đánh thuế nhà ở: Cần phải được tính toán kỹ lưỡng

05/03/2022 13:12 |

(LSVN) – Ở Việt Nam, chưa có quy định về thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, có đất ở theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Ở các nước văn minh, việc đánh thuế vào những người giàu, nhiều tài sản được coi là bước tiến của xã hội bởi mục đích của nó là tạo nên sự bình đẳng xã hội, giảm sự di cư ồ ạt vào các thành phố. Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế nhà ở cho mọi căn nhà là chưa hợp lý.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà ở, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4/2022. Vậy, việc đánh thuế nhà ở có phù hợp với quy định hiện hành và quyền lợi của người dân về quyền có nhà ở?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.

Ở Việt Nam, chưa có quy định về thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, có đất ở theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Ở các nước văn minh, việc đánh thuế vào những người giàu, nhiều tài sản được coi là bước tiến của xã hội bởi mục đích của nó là tạo nên sự bình đẳng xã hội, giảm sự di cư ồ ạt vào các thành phố. Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế nhà ở cho mọi căn nhà là chưa hợp lý.

Bản chất của thuế tài sản nhà ở là có việc thuế chồng thuế, điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ nhưng nếu Nhà nước không loại bỏ thuế đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất, lệ phí hoàn công nhà ở... thì việc thu thuế tài sản nhà ở là không hợp lý. Bởi trên thực tế, các sắc thuế này đã chuyển hóa vào giá trị của nhà ở qua quá trình hình thành, sử dụng.

Dự thảo Luật Thuế tài sản cần đánh giá tác động đến nền kinh tế, đời sống xã hội để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân. Thực tế cho thấy để hoàn tất các thủ tục sở hữu nhà ở, người mua nhà phố riêng lẻ hay căn hộ phải đóng khá nhiều loại thuế, phí. Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà quên quyền lợi của người dân. Hầu hết người dân chủ yếu có mức thu nhập thấp nhưng phải chịu thuế quá nhiều thì e ngại việc thu thuế chồng chéo sẽ gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân và không đảm bảo quyền lợi của người dân về quyền có nhà ở.

Một số tác động

Việc đánh thuế nhà ở có thể xem xét xây dựng hệ thống biểu phí, thuế luỹ tiến đối với việc sở hữu bất động sản thứ hai trở đi và luỹ tiến theo diện tích sử dụng, giá trị bất động sản; hoặc mục đích sử dụng. Ví dụ như ở Singapore, với nhà ở có giá thấp dưới 8000 đôla thì không phải chịu thuế (thuế 0%), nhưng khi vượt quá con số này thì mức thuế sẽ dao động từ 4-16%, nhà trốn không sử dụng thì mức thuế có thể lên đến 20%. Hoặc tại vương quốc Anh, với bất động sản thứ nhất thì tuỳ theo giá trị mức thuế suất dao động từ 0% đến 2 %, nhưng đối với bất động sản thứ 2 thì mức thuế sẽ luỹ tiến theo 5 bậc cụ thể.

Việc đánh giá thuế nhà ở mà đánh theo giá trị sẽ kìm hãm đầu tư nhà ở, cần đánh theo diện tích trên đầu người nhằm thể hiện sự đóng góp của mọi cư dân vào phát triển khu dân cư mình đang ở. Tất nhiên, đánh thuế theo diện tích sẽ phức tạp hơn nhưng hiệu quả hơn và đúng hơn, phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người dân. Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứ, xem xét chỉnh sửa luật thuế đất phi nông nghiệp là hợp lý. Có nghĩa chưa đánh thuế nhà nhưng phải tính toán mức thuế. Trong sắc thuế đó đã có hướng dẫn về việc đánh thuế nhà 1,2,3 tính toán tổng cộng để ra mức đóng thuế. Tuy nhiên, thực tế không thể kiểm soát được nhất là với những người mua đất để không. Vì vậy, sắc thuế về sử dụng đất phi nông nghiệp cần sửa để quy định rõ hơn mức thuế với lô thứ 2 trở đi không sử dụng, bỏ hoang đất đai.

Tác động của việc đánh thuế này sẽ hạn chế hiệu quả đối với tình trạng tích trữ, đầu cơ và cũng đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà. Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở.

Việc đánh thuế nhà ở cần phải được tính toán kỹ

Mua nhà ở đối với một bộ phận người dân vẫn “khó như lên trời”, việc đánh thuế tài sản cần phải được tính toán kỹ, nếu không sẽ dẫn đến trốn thuế, phản ứng dữ dội.

Hiện nay nhiều nhà ở bỏ trống, mua xong bỏ đã gây nhiều phản cảm ảnh hưởng đến mỹ quan. Tuy nhiên, việc đề xuất đánh thuế nhà ở bỏ trống, mua xong bỏ còn mơ hồ. Bởi vì, xét về khung pháp lý để thực hiện việc đánh thuế nhà ở, cần phải dựa trên các văn bản luật, nghị định liên quan chứ không phải tự nhiên đưa ra. Việc cưỡng chế đánh thuế với nhà ở bỏ hoang là vi phạm quyền sở hữu của người dân theo quy định của pháp luật Dân sự. Theo đó, người dân có quyền được sở hữu tài sản của mình và chỉ bị xử phạt trong trường hợp họ vi phạm quy định quản lý của khu đô thị, hay trật tự xây dựng... trong trường hợp họ không xây dựng sai phép, chưa hoàn thiện nhà thì việc đó cũng là quyền lợi của họ. Do đó, việc đánh giá tài sản nhà ở là không hợp lý.

Hơn nữa, việc “nhà bỏ hoang” có thể là tài sản tích lũy của người dân chứ không hoàn toàn là hệ quả của việc đầu cơ. Trong khi đó, với các dự án bị bỏ hoang, đây lại thuộc vấn đề quản lý hoạt động xây dựng, đầu tư dự án. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng việc đánh thuế nhà ở rất cao, nhà ở bỏ hoang hoặc mua rồi bỏ trống thì việc đánh thuế tài sản đối với nhà ở bỏ trống là hợp lý để tránh đầu cơ và lãng phí. Biện pháp đánh thuế chỉ hợp lý với trường hợp sở hữu nhiều nhà không sử dụng.

Vì vậy, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, cũng như đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

NGỌC PHƯƠNG

Khởi tố bổ sung các bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương

Bùi Thị Thanh Loan