/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý vụ bé trai 17 tháng tuổi tử vong ở Hà Nội

Một số vấn đề pháp lý vụ bé trai 17 tháng tuổi tử vong ở Hà Nội

07/03/2023 08:44 |

(LSVN) - Theo Luật sư, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thu thập lời khai, trích xuất camera, xác định vai trò của 02 bảo mẫu… để củng cố hồ sơ và có căn cứ xử lý hai bảo mẫu này theo quy định pháp luật. Nếu 02 bảo mẫu này bị quy buộc phạm tội "Giết người", các bảo mẫu sẽ bị áp dụng tình tiết giết người dưới 16 tuổi theo điểm b, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt đối với họ là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

 

Hai bảo mẫu N.T.A. và N.T.L. tại cơ quan Công an.

 

Ngày 01/3, Công an huyện Thường Tín nhận được tin trình báo về việc cháu P.T.Đ. (sinh năm 2021); ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tử vong nghi bị ngã trong quá trình gửi tại nhóm trẻ tự phát trên địa bàn xã.

Ngay sau đó, lực lượng Công an đã vào cuộc điều tra, triệu tập hai bảo mẫu là N.T.A. (sinh năm 1993) và N.T.L. (sinh năm 1994) lên làm việc.

Tại cơ quan Công an, hai bảo mẫu này khai bé trai tự ngã, không bị tác động bên ngoài. Tuy nhiên, đối chiếu với bằng chứng, tài liệu, kết hợp với quá trình đấu tranh với A. và L., Cảnh sát nhận thấy nhiều điểm bất thường. Cả 02 sau đó thay đổi lời khai, cho biết L. đi lùi, va vào bé trai làm Đ. ngã ra nền nhà và A. thì bế trượt cháu bé làm nạn nhân ngã đập đầu. 

Sau 24 giờ đấu tranh, A. và L. đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành cháu Đ. dẫn đến thương tích nặng và khiến nạn nhân tử vong.

Liên quan đến vụ việc, theo Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, các đối tượng có thể đối diện mức án cao nhất - tử hình.

Theo Luật sư, hành vi của 02 bảo mẫu có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự.

"Các bảo mẫu nếu không bị mất năng lực hành vi dân sự thì buộc phải biết việc làm dã man, tàn nhẫn của mình đối với một đứa trẻ 17 tháng tuổi có thể sẽ khiến đứa trẻ đó mất đi mạng sống. Do đó, dù họ có đưa ra bất cứ lý do gì để biện minh cho hành động của mình thì vẫn không thể phủ nhận được rằng cái chết của cháu bé có mối quan hệ nhân quả với những gì họ đã làm", Luật sư cho hay.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thu thập lời khai, trích xuất camera, xác định vai trò của 02 bảo mẫu… để củng cố hồ sơ và có căn cứ xử lý hai bảo mẫu này theo quy định pháp luật. Nếu 02 bảo mẫu này bị quy buộc phạm tội "Giết người", các bảo mẫu sẽ bị áp dụng tình tiết giết người dưới 16 tuổi theo điểm b, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt đối với họ là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Đồng quan điểm, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho hay, ngoài trách nhiệm hình sự, 02 bảo mẫu này cũng sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng đối với cháu bé, theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Chi phí cứu chữa trước đó, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền bồi thường tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất giảm sút của người liên quan. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

HOÀNG NGUYÊN

Cán bộ, công chức, viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có được đi làm?

Nguyễn Hoàng Lâm