Viên đá gây tai nạn cho chiếc Honda City. Ảnh: Vne.
Mới đây, trên đoạn cao tốc từ Hà Nội – Ninh Bình đã xảy ra một tai nạn khá hy hữu. Cụ thể, khi đang lái xe ô tô trên đoạn cao tốc này, một tài xế đã bất ngờ va chạm với hòn đá lớn ở giữa đường và gây hư hỏng xe. Sau khi vụ việc xảy ra, tài xế đã liên hệ và xác nhận thông tin hòn đá mà tài xế đâm phải là món hàng của một công ty vận chuyển làm rơi. Theo đó, tài xế này đã yêu cầu công ty phải bồi thường trách nhiệm bởi hòn đá không được chằng buộc an toàn, rơi ra giữa đường không chỉ gây thiệt hại cho xe mà còn có thể ảnh hưởng tới an nguy của người trên xe. Tuy nhiên, phía công ty từ chối bồi thường vì cho rằng đây là một sự việc không may và yêu cầu tài xế tự giải quyết với người lái xe chở hàng trước đó.
Được biết, xe của người tài xế này khi chạy trên cao tốc với tốc độ cao 90 km/h, thời điểm va chạm tài xế nhận định hai bên đường tối và bị đèn pha từ hướng ngược chiều gây lóa mắt, bên trái có xe tải cũng đang đến từ phía ngược chiều nên tài xế đã không phản ứng kịp để tránh được vật cản.
Vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật sẽ diễn ra thế nào? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Liên quan đến vụ việc trên, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này chúng ta cần căn cứ các yếu tố về lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra.
Cụ thể, theo thông tin từ báo chí, vị tài xế trên đã chạy xe với tốc độ 90 km/h trên đường cao tốc, đường lại tối và bị đèn pha từ hướng ngược chiều gây lóa mắt, nên tài xế đã không phản ứng kịp để tránh vật cản. Căn cứ quy định tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, khi chạy xe trên đường cao tốc thì người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu theo quy định. Theo đó, người lái xe phải chạy với tốc độ trên 60km/h, dưới 120km/h. Trong trường hợp này, tài xế chạy xe với tốc độ 90 km/h là không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Sau khi vụ việc xảy ra, tài xế đã liên hệ và xác nhận thông tin hòn đá mà tài xế đâm phải là món hàng của một công ty vận chuyển làm rơi. Theo đó, tài xế này đã yêu cầu công ty phải bồi thường trách nhiệm bởi hòn đá không được chằng buộc an toàn, rơi ra giữa đường không chỉ gây thiệt hại cho xe mà còn có thể ảnh hưởng tới an nguy của người trên xe. Tuy nhiên, phía công ty từ chối bồi thường vì cho rằng đây là một sự việc không may và yêu cầu tài xế tự giải quyết với người lái xe chở hàng trước đó.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, căn cứ quy định tại Điều 597 và Điều 600, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân và người làm công, người học nghề gây ra, mặc dù chưa xác định người tài xế này là người làm công hay người của pháp nhân nhưng theo quy định trên công ty nơi người lái xe chờ hàng làm việc phải có trách nhiệm bồi thường khi người lái xe của công ty đang thực hiện nhiệm vụ mà công ty giao và có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền.
Theo đó, người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589, Bộ luật Dân sự quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bao gồm: Tài sản bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định...
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 13, Chương II, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT thì đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc có trách nhiệm phải phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn giao thông, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời; thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường cao tốc trong đoạn tuyến được giao; kiểm tra thường xuyên để phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình; báo cáo đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp hư hỏng nhỏ, việc khắc phục không cần vật tư, thiết bị thì nhân viên tuần đường chủ động thực hiện hoặc yêu cầu công nhân bảo trì khắc phục ngay.
"Do đó, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan trên để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông trên tuyến đường mà mình quản lý", Luật sư nói.
Luật sư cũng khuyến cáo, mặc dù đã có quy định cụ thể về việc xử phạt hành vi chở hàng rơi vãi ra đường nhưng tình trạng chở hàng không được rào chắn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải việc xử lý thật nghiêm, quyết liệt với những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, mỗi lái xe cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là trong việc thực hiện việc che đậy, đóng thùng hàng hóa cẩn thận, hạn chế những ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, hạn chế những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra cho người tham gia giao thông.
MINH QUÝ
Hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân: Cần phải có thời gian, lộ trình phù hợp