Hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân: Cần phải có thời gian, lộ trình phù hợp

26/04/2023 06:10 | 1 năm trước

(LSVN) – Luật sư cho rằng, khi triển khai việc hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, cần phải có thời gian, lộ trình phù hợp, đầu tư xây dựng có một hệ thống vận tải công cộng hoàn thiện, kết nối liên thông giữa các loại hình như xe buýt, metro, xe đạp, vỉa hè đi bộ thì lúc đó người dân sẽ lựa chọn các phương tiện công cộng mà không phải cấm hay hạn chế.


Ảnh minh họa.

Hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân là một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an xây dựng Đề án tổng thể về định danh biển số xe ô tô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, báo cáo Chính phủ trong quý 4/2023.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Nghiên cứu, thể chế hóa phương thức cấp biển kiểm soát phương tiện có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nếu xét trên phương diện lý thuyết, việc hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Bởi, với tình trạng tắc đường như hiện nay thì việc giảm dần, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân thay bằng các phương tiện công cộng không những giảm ùn tắc giao thông mà còn hạn chế được ô nhiễm môi trường do khói bụi gây ra cũng như mang lại nhiều lợi ích tích cực trong tương lai.

“Tuy nhiên, đề xuất cũng phải đi liền với thực tế, không ít các giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng giao thông, nhưng hầu hết đều chưa đem lại hiệu quả do chưa phân tích đúng tình hình hiện tại của Việt Nam”, Luật sư Tiền bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Luật sư, với đặc trưng cơ bản là hệ thống các đường giao thông quanh các thành phố lớn nhiều ngách nhỏ, cùng với đó là nền kinh tế phi chính thức tập trung rất đông lao động tự do. Do đó, khó tương thích với loại phương tiện giao thông công cộng. Nếu hạn chế, và từng bước cấm người dân không sử dụng phương tiện cá nhân thì sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Riêng ở hai đô thị TP. HCM và Hà Nội có tới hơn 10 triệu lượt người đi lại/ngày, trong khi xe buýt chỉ giải quyết chưa được 10% nhu cầu và người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài phương tiện cá nhân. Hơn nữa, hệ thống các phương tiện giao thông hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, tình trạng chen nhau, nóng bức, xô lấn, chất lượng dịch vụ kém, tình trạng trộm cắp trên các phương tiện giao thông... cũng là vấn đề nan giải… Trong khi đó, ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Anh,… xe buýt lại là phương tiện rất thuận tiện, được nhiều người yêu thích, tự nguyện sử dụng thay cho xe cá nhân.

 Bên cạnh đó, muốn giải quyết bài toán giao thông thì không thể không quan tâm đến cấu trúc đô thị. Việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng công suất lớn phải gắn liền việc dùng nhà cao tầng “gom dân” theo chiều dọc.

​Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng đô thị dọc theo hệ thống tuyến metro (tàu điện). Ở các trạm tàu điện, nên hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở hoặc nhóm nhà ở. Đối với các nhóm phức hợp cao tầng thì nên tập trung ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở, kết hợp khu công viên cây xanh, thể dục thể thao tập trung phục vụ công cộng…

​Do đó, khi triển khai, cần phải có thời gian, lộ trình phù hợp, đầu tư xây dựng có một hệ thống vận tải công cộng hoàn thiện, kết nối liên thông giữa các loại hình như xe buýt, metro, xe đạp, vỉa hè đi bộ thì lúc đó người dân sẽ lựa chọn các phương tiện công cộng mà không phải cấm hay hạn chế.

​Cho biết thêm, Luật sư Tiền dẫn chứng điển hình như Trung Quốc, đã tiến hành đô thị hóa những năm 1920, trước Việt Nam khoảng 70 năm (những năm 1990), chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, chuẩn bị cho lộ trình cấm xe máy tại thành phố lớn. Đặc biệt là quy hoạch không gian đi bộ, xóa dần nhà ống, cải tạo đô thị, mở rộng các ngõ hẻm, xây dựng đồng loạt hệ thống đường trên cao, tập trung dân cư tại các vị trí kết nối giao thông công cộng, dãn dân trong nội thành, hình thành riêng khu đô thị tập trung các đại học. Bắc Kinh là thành phố đầu tiên cấm xe máy, dừng đăng ký xe mới từ năm 1985; Thượng Hải cấm xe máy năm 2002; Quảng Châu cấm xe máy năm 2007, trước đó đã dừng đăng ký xe mới từ 1998. 

Khi cấm xe máy, phương tiện công cộng phủ khắp, như: Tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt... Cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông đều tuân thủ quy chuẩn chung như các khổ đường, vỉa hè, cầu bộ hành, nhà chờ phương tiện công cộng...; ngầm hóa toàn bộ công trình kỹ thuật điện, viễn thông, dây chiếu sáng...; nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 

DUY ANH

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn: Cần đánh giá đa chiều trong xây dựng pháp luật