Ảnh minh họa.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn; nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định…; bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe…; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định thu hồi Giấy phép lái xe đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.
Cần đảm bảo quyền công dân, tính nhân văn trong xây dựng pháp luật
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Đáng chú ý, trong số này, có tới 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý, chiếm 11,01% số vụ.
Trước những hậu quả nghiêm trọng do những vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn, thời gian qua nhiều chuyên gia, người dân đề xuất giải giải pháp theo hướng nâng cao mức phạt đối với loại vi phạm này như: Tăng số tiền phạt lên 75 triệu đồng (mức tối đa theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020), tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, lao động công ích, lắp camera giám sát từ nhà hàng hay thậm chí có thể bị xử lý hình sự,...
Hiện nay, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn tùy theo mg/100 ml máu có thể dao động từ 2.000.000 đồng (chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1l khí thở) đến 8.000.000 đồng (vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở) đối với xe máy; từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xe ô tô; còn đối với xe kéo, xe chuyên dụng từ 3.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và đối với xe đạp là 80.000 đồng đến 600.000 đồng.
“Mức xử phạt nồng độ cồn tại thời điểm hiện tại chưa thể nói là phù hợp hay không nhưng cơ bản đã có tính răn đe đối với người dân. Bởi so với mặt bằng chung về thu nhập của người dân hiện nay thì mức xử phạt này được nhiều người đánh giá là khá cao. Do đó, đối với đề xuất tăng mức tiền phạt cần phải được nghiên cứu kĩ càng, đảm bảo quyền công dân, tính nhân văn trong xây dựng pháp luật và tham khảo các kinh nghiệm xử lý của các nước trên thế giới”, Luật sư Tiền bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ thêm, Luật sư Tiền đưa ra ví dụ tại Nga, tháng 7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với việc tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn. Số tiền phạt cũng tăng từ 4.300 USD đến 7.100 USD, thay vì 2.900 USD - 4.300 USD, hoặc bằng tiền lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 đến 3 năm, thay vì từ 1 đến 2 năm như trước.
Ngoài ra, hình phạt cũng có thể là lao động cải tạo trong tối đa 2 năm, hạn chế tự do và lao động bắt buộc trong tối đa 3 năm. Người phạm tội cũng bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia hoạt động nhất định với thời hạn lên đến 6 năm.
Theo một số trang tư vấn pháp luật Nga, nếu xảy ra tai nạn giao thông liên quan sử dụng rượu bia, ngay cả khi không ai bị thương, lái xe gây tai nạn trong tình trạng say rượu vẫn sẽ bị xử phạt. Khi cố trốn khỏi hiện trường, tài xế say xỉn sẽ phải nộp phạt, tước bằng lái tới 18 tháng và thậm chí bị bắt giữ hành chính.
Trong trường hợp có nạn nhân trong tai nạn liên quan sử dụng rượu bia, ngoài hình phạt thông thường đối với hành vi say rượu lái xe và tước bằng lái trong một thời gian nhất định, tài xế còn có thể bị phạt tù từ 5 đến 12 năm nếu có 1 người chết, hoặc từ 8 đến 15 năm nếu tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người trở lên.
Cần kết hợp với các hình thức bổ sung trong xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Luật sư Tiền cho biết, tại Đông Nam Á, Singapore có hệ thống quy định pháp luật rất chặt chẽ, khắt khe và không nhân nhượng với những hành vi lái xe vô trách nhiệm. Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.
Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.
Như vậy, các quốc gia phát triển này không chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mà còn kết hợp với các hình thức bổ sung như lao động công để tăng tính hiệu quả trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.
Theo Luật sư Tiền, đây là một kinh nghiệm đáng để Việt Nam học hỏi, tiếp thu và áp dụng một cách linh hoạt đối với tình hình kinh tế xã hội của nước ta. Bởi không phải tăng mức phạt là hạn chế được hành vi vi phạm về nồng độ cồn, điều quan trọng ở đây là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Khi áp dụng việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm khi “say rượu” tham gia giao thông. Một số hình phạt bổ sung như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, phạt lũy tiến khi tái phạm,…
HỒNG HẠNH
Nghiên cứu quy định thu hồi Giấy phép lái xe đối với người nghiện ma túy