/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý trong vụ 'bay lắc' ma túy tại Ninh Bình

Một số vấn đề pháp lý trong vụ 'bay lắc' ma túy tại Ninh Bình

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì từ năm 2009 đến nay hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không được coi là tội phạm. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã “phi hình sự hóa” hành vi này. Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là người bệnh và có thể bị bắt buộc cai nghiện. Trước đó, thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là tội phạm theo Bộ luật Hình sự 1999 trở về trước.

"Thánh chửi" Dương Minh Tuyền cùng 12 người khác bị bắt quả tang "bay lắc" trong một quán karaoke ở TP. Ninh Bình.

Ngày 01/8, thông tin từ Công an TP.Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP. Ninh Bình vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 05 bị can trong vụ “bay lắc” ở quán karaoke Phan Tom (TP. Ninh Bình).

Các bị can bị bắt giữ và khởi tố để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng chất ma túy, gồm: Bùi Quỳnh Châu (28 tuổi, ngụ xã Ban Công, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Cung (27 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), Nguyễn Thế Dũng (28 tuổi, ngụ xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), Nguyễn Duy Nhiên (21 tuổi, ngụ phường Ninh Sơn, TP. Ninh Bình), và Nguyễn Anh Tuấn (29 tuổi, ngụ phường Đông Thành, TP. Ninh Bình).

Trước đó, khoảng 02 giờ 35 ngày 29/7, lực lượng của Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP. Ninh Bình đã tổ chức kiểm tra quán karaoke Phan Tom (ở phường Đông Thành, TP. Ninh Bình; do Nguyễn Anh Tuấn làm chủ) thì phát hiện trong một phòng hát có 13 người (08 nam và 05 nữ) tổ chức hát hò và sử dụng chất ma túy.

Tang vật thu giữ trong vụ án. Ảnh: Công an TP. Ninh Bình cung cấp.

Tại chỗ, lực lượng Công an thu giữ được 2,62g ma túy tổng hợp dạng ketamine, 0,475g ma túy dạng kẹo cùng nhiều vật dụng phục vụ cho việc sử dụng chất ma túy.

13 người trong phòng hát có độ tuổi từ 18 - 40 tuổi, đến từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Yên Bái.

Đáng chú ý, trong 13 người tham gia có Dương Minh Tuyền (còn được gọi với hỗn danh là "Thánh chửi Dương Minh Tuyền", 35 tuổi, ngụ phường Tiền An, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh). Khi thực hiện xét nghiệm nhanh thì phát hiện có 11 người (trong đó có Tuyền) dương tính với chất ma túy.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã mua 10 viên ma túy dạng kẹo và 1 túi ketamin với tổng số tiền là 14 triệu đồng để tổ chức sinh nhật cho Bùi Quỳnh Châu, là nhân viên của quán karaoke Phan Tom.

Tuy nhiên, riêng đối tượng Dương Minh Tuyền chỉ có hành vi sử dụng chất ma túy, nên chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự nên không bị khởi tố.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì việc tập trung đông người sử dụng trái phép chất ma túy còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra phát hiện, xử lý nhóm đối tượng này là rất cần thiết và có căn cứ”, Luật sư Cường nói.

Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì từ năm 2009 đến nay hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không được coi là tội phạm. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã “phi hình sự hóa” hành vi này. Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là người bệnh và có thể bị bắt buộc cai nghiện. Trước đó, thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là tội phạm theo Bộ luật Hình sự 1999 trở về trước.

“Tuy nhiên, riêng đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì vẫn là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự”, Luật sư Cường khẳng định.

Cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" như sau:   

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư Cường, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là các hành vi chuẩn bị dụng cụ, ma túy, địa điểm, các điều kiện về vật chất để cùng sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đưa ma túy vào cơ thể người khác.

Các đối tượng thuê phòng hát để sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng đi mua ma túy về để sử dụng, đối tượng chuẩn bị các công cụ để sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng mời gọi người khác đến sử dụng trái phép chất ma túy... thì đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội và những hành vi này được xác định là đồng phạm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên, các đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Đối với Dương Minh Tuyền, có thể cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của đối tượng này, có thể đối tượng này là người đến sau và chỉ được mời tham gia việc sử ma túy chứ không phải là người thực hiện các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nên Dương Minh Tuyền đã không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính đối với đối tượng này và có thể áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nhận định.

Luật sư Cường cho biết, theo Điều 28, Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc được quy định tại Điều 96, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp người không có năng lực trách nhiệm hành chính, người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện, phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

TRẦN MINH

Cụ ông dùng mũ cối đánh vào đầu cán bộ Công an: Có bị xử lý hình sự?

Lê Minh Hoàng