/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ Bộ Y tế thu hồi văn bản công bố 12 thuốc cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ Bộ Y tế thu hồi văn bản công bố 12 thuốc cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19

27/07/2021 09:47 |

(LSVN) - "Việc các cơ quan tổ chức ban hành văn bản rồi lại thu hồi cho thấy được năng lực yếu kém và sự tuỳ tiện trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, để tránh xảy ra tình trạng này, trước hết phải xem xét lại năng lực, trình độ của cá nhân, bộ phận tham mưu. Nếu người tham mưu làm đúng chức trách, có đủ năng lực và trình độ thì sẽ không để xảy ra văn bản được ban hành "sai sót" như vậy. Ngoài ra, người đứng đầu Cơ quan tổ chức hoặc người ký ban hành văn bản không đúng pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Sáng 26/7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện và cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền về việc thu hồi Công văn số 5944/ BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi Công văn này.

Bộ Y tế thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Cụ thể, tại Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 09 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng.

Trong đó, 12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 (theo Công văn 5944/ BYT-YDCT) gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovi; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên; Viên nang Nasagast - KG.

Tuy nhiên, sau khi danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 được ban hành, dư luận bức xúc cho rằng trong danh mục này có nhiều sản phẩm thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không đúng tính năng và công dụng điều trị bệnh Covid-19.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay: “Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc Bộ Y tế ban hành văn bản không phù hợp và phải thu hồi như vậy là thiếu sót rất lớn, có thể tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ này”. 

Theo Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thực tế, đã có rất nhiều các văn bản của các cơ quan hành chính nhà nước được ban hành, rồi lại phải thu hồi với lý do không phù hợp, thậm chí là trái pháp luật.

Nếu đã được áp dụng trong thực tiễn thì các văn bản trái pháp luật hoặc có các nội dung “trên trời”, không phù hợp với thực tiễn này sẽ có những tác động rất tiêu cực, không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến các quan hệ xã hội, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Chưa có quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm trong ban hành văn bản

Luật sư Hùng cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra, khiến cho quyền lợi hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân bị thiệt hại chưa được bảo vệ một cách đầy đủ nhất.

Mặt khác, pháp luật cũng chưa có quy định riêng biệt và cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có “lỗi” trong việc ban hành các văn bản không phù hợp hoặc trái pháp luật.

Việc xử lý trách nhiệm vi phạm trong lĩnh vực này vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật, không phù hợp của văn bản và hậu quả của chúng gây ra đối với xã hội, cũng như tính chất, mức độ lỗi (trong quá trình tham mưu, soạn thảo, ban hành văn bản..) thì các cán bộ, công chức, viên chức có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (khiển trách, cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức và buộc thôi việc).

Đồng thời, cũng phải xem xét đến trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu các cơ quan đã ban hành các văn bản không phù hợp hoặc trái pháp luật.

Cần xem xét lại năng lực, trình độ của cá nhân, bộ phận tham mưu

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, theo quy trình soạn thảo và ban hành văn bản, người tham mưu có vai trò quan trọng trong việc dự thảo các văn bản.

Việc đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành.

Luật sư Dương cho biết, trước khi xây dựng dự thảo phải tiến hành đánh giá, tổng kết một cách cụ thể, khách quan, toàn diện lĩnh vực dự kiến tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để ngay từ giai đoạn này khẳng định được có hay không, nên hay không nên tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng tổ chức thực hiện soạn thảo, triển khai, lấy ý kiến thẩm định sau đó mới nhận thấy nội dung trong dự thảo thiếu căn cứ pháp lý hoặc đã ban hành rồi nhưng sai sót dẫn đến việc phải huỷ bỏ, sửa đổi văn bản hay thậm chí phải ban hành văn bản mới để thu hồi văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

Nhận định về vấn đề này, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, việc các cơ quan tổ chức ban hành văn bản rồi lại thu hồi cho thấy được năng lực yếu kém và sự tuỳ tiện trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, để tránh xảy ra tình trạng này, trước hết phải xem xét lại năng lực, trình độ của cá nhân, bộ phận tham mưu.

“Nếu người tham mưu làm đúng chức trách, có đủ năng lực và trình độ thì sẽ không để xảy ra văn bản được ban hành “sai sót” như vậy. Ngoài ra, người đứng đầu Cơ quan tổ chức hoặc người ký ban hành văn bản không đúng pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư Dương cho hay.

Theo Luật sư Dương, quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 134, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định về việc "Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật" như sau:

1. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của cơ quan, người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó.

2. Việc xem xét trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân được thực hiện như sau:

a) Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật;

b) Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

3. Cơ quan, người ban hành văn bản khi nhận được kết luận kiểm tra, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản mà không thực hiện việc xem xét, xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không thực hiện thông báo kết quả xử lý theo quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Các Luật sư cũng cho biết, ngoài việc phải kịp thời khắc phục do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật, quy định này, cũng cần kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người ban hành, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản đó cũng bị xem xét trách nhiệm. Tuỳ theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung có sai sót của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nêu trên thì trước hết, các cơ quan, người có thẩm quyền và các cá nhân hữu quan cần phải nâng cao tình thần trách nhiệm, có sự thận trọng, nghiên cứu, xem xét và đánh giá chi tiết và toàn diện tất cả các căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc ban hành văn bản, đảm bảo tốt nhất tính khoa học, hợp lý, chính xác và hợp pháp của văn bản.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải có các quy định chặt chẽ hơn nữa để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, soạn thảo và ban hành các văn bản, cũng như hoàn thiện hơn nữa các quy định về việc xử lý vi phạm, có các chế tài riêng biệt, phù hợp đối với các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực này.

QUÝ MINH

Không chỉ là chuyện 'thu hồi'

Admin