Một số vấn đề pháp lý xung quanh việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

14/06/2022 11:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Theo Luật sư, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi tốt nghiệp THPT là tài liệu bí mật nhà nước, được pháp luật bảo vệ. Hành vi tiết lộ, mua bán, trái phép tài liệu bí mật nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự tội "Làm lộ bí mật nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy, ngoài hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi làm lộ bí mật nhà nước hay không để tiến hành xử lý theo quy định.

Khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Vừa qua, căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Thị My (sinh năm 1963, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) và khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với Bùi Văn Sâm (sinh năm 1949, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Quyết định và các Lệnh nêu trên đối với bị can Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm. 

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm của bị can và trách nhiệm của những người có liên quan theo quy định của pháp luật. 

Đối diện với mức án nào?

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đề thi các kỳ thi quốc gia, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT là thông tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước. Hành vi hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tiết lộ thông tin này là hành vi vi phạm pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi làm lộ đề thi, cấu kết, dàn xếp với nhau để gian lận, tiêu cực trong lĩnh vực thi cử là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết.

Theo quy định của pháp luật thì người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Cần làm rõ có hành vi làm lộ bí mật nhà nước hay không?

Theo Luật sư Cường, tại Quyết định 809/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực giáo dục gồm: Kế hoạch, chương trình hành động, báo cáo, tài liệu kèm theo báo cáo của Bộ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục phục vụ an ninh quốc gia; Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai; thông tin về người thuộc quân đội, Công an,… được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.

Các bí mật nhà nước thuộc độ Mật gồm 7 loại thông tin như: Báo cáo về thực trạng tổ chức các hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng đến chính trị, quốc phòng chưa công khai; Báo cáo của Bộ về an ninh chính trị đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên chưa công khai; Hồ sơ về xét tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị hàng năm chưa công khai.

Ngoài ra, ở mức độ Mật còn có: Vũ khí bộ binh hoán cải phục vụ cho giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tin về địa điểm ra đề thi và in sao đề thi, các văn bản về nhân sự của hội đồng/ban ra đề thi và in sao đề thi; phương pháp vận chuyển, bảo quản và lưu giữ đề thi của các kỳ thi THPT quốc gia, thi học sinh giỏi,…

Như vậy, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi tốt nghiệp THPT là tài liệu bí mật nhà nước, được pháp luật bảo vệ. Hành vi tiết lộ, mua bán, trái phép tài liệu bí mật nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự tội "Làm lộ bí mật nhà nước" theo Điều 337, Bộ luật Hình sự 2015.

"Vì vậy, ngoài hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi làm lộ bí mật nhà nước hay không, ai là người thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, cơ quan điều tra liên tục khởi tố các vụ án hình sự xảy ra tại các cơ sở giáo dục và ngành y tế, điều này cho thấy đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, để duy trì ổn định trật tự xã hội, nâng cao đạo đức văn hóa xã hội, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ các lĩnh vực này để đảm bảo một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

TIẾN HƯNG

Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể đối diện mức án nào?