Ảnh minh họa.
Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử
Một là, thẩm quyền đình chỉ vụ án trong trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ án đã tạm đình chỉ từ rất lâu, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không còn đương nhiệm. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (TTLT 01/2020) quy định: "Đối với vụ án tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Tòa án ra ngay quyết định đình chỉ vụ án mà không phải ra quyết định phục hồi vụ án". Trong trường hợp này, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án thuộc về Chánh án, Phó Chánh án hay Thẩm phán đã được phân công giải quyết vụ án. Vấn đề này vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều 44 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định theo hướng liệt kê các nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhưng lại không nhắc đến thẩm quyền đình chỉ vụ án của họ, trong khi đó các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán lại có liệt kê quyền này. Tuy nhiên, vụ án đã được tạm đình chỉ từ rất lâu, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã không còn đương nhiệm (luân chuyển công tác, nghỉ hưu, đã chết…); đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS thì việc đình chỉ vụ án thuộc trường hợp phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, cần căn cứ đoạn 2 khoản 1 Điều 283 BLTTHS để Chánh án Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án, sau đó phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, mở phiên tòa và ra quyết định đình chỉ vụ án.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả cho rằng: Mặc dù Điều 44 và các quy định khác của BLTTHS không có quy định trực tiếp thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, tuy nhiên căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 44 BLTTHS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án có nêu: "Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án", do đó Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án trong trường hợp này.
Hai là, đối với các vụ án tạm đình chỉ nhưng do có sự thay đổi chính sách hình sự, hành vi của các bị can, bị cáo không còn cấu thành tội phạm nữa. Tòa án căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự (BLHS); Điều 44, khoản 2 Điều 157 BLTTHS và khoản 3 Điều 11 TTLT 01/2020 để quyết định phục hồi vụ án, tiến hành ngay các hoạt động xác minh căn cứ đình chỉ, ra quyết định đình chỉ.
Tuy nhiên, trường hợp này lại không được quy định tại Điều 282 BLTTHS để làm căn cứ áp dụng pháp luật đình chỉ vụ án. Đồng thời, việc không cấu thành tội phạm do có sự thay đổi chính sách hình sự thuộc trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS không đồng nghĩa với việc không có trách nhiệm hình sự; sau khi phục hồi vụ án, Tòa án tiến hành xác minh và xác định có căn cứ để đình chỉ vụ án thì Tòa án ra ngay quyết định đình chỉ vụ án hay phải tiến hành mở phiên tòa và ra bản án, bởi xét về bản chất các vụ án tạm đình như trên thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, bị can, bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự nữa nhưng vẫn phải chịu các trách nhiệm khác như trách nhiệm dân sự (nếu gây ra thiệt hại)…
Trước đây, tại khoản 3 Mục VIII Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 cũng có quy định: "…Trong giai đoạn xét xử thì việc miễn trách nhiệm hình sự do Tòa án quyết định. Khi miễn trách nhiệm hình sự thì trong phần nhận định của bản án phải nói rõ là bị cáo đã phạm tội gì nhưng được miễn trách nhiệm hình sự và phải nói rõ lý do. Trong phần quyết định của bản án thì chỉ cần nói là miễn trách nhiệm hình sự. Khi đã miễn trách nhiệm hình sự thì Tòa án không được quyết định bất cứ loại hình phạt nào, nhưng vẫn có thể quyết định việc bồi thường cho người bị hại và giải quyết các tang vật". Như vậy, Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ hay phải ra bản án, vấn đề này hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ba là, trong vụ án tạm đình chỉ vừa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vừa có sự thay đổi chính sách hình sự, hành vi của bị can, bị cáo không còn cấu thành tội phạm nữa thì Tòa án phải căn cứ vào nội dung hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay có sự thay đổi chính sách hình sự để giải quyết vụ án.
Bốn là, khó khăn trong tống đạt các quyết định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 TTLT 01/2020: "Đối với vụ án tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Tòa án ra ngay quyết định đình chỉ vụ án mà không phải ra quyết định phục hồi vụ án". Trong trường hợp này, Tòa án không phục hồi vụ án nên không thể xác minh và nếu có xác minh thì cũng không xác minh được bị can, bị cáo đang ở đâu. Vậy, việc tống đạt quyết định đình chỉ vụ án phải thực hiện bằng cách thức nào. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 137, khoản 1, 2 Điều 140 BLTTHS thì Tòa án có thể tiến hành niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc tống đạt như trên sẽ trái với quy định tại khoản 2 Điều 286 về thời gian giao gửi quyết định của Tòa án.
Một số kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án tạm đình chỉ tại Tòa án, tác giả kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án tạm đình chỉ trong trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, do thay đổi chính sách hình sự, hành vi của bị can, bị cáo không còn đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong giai đoạn xét xử, để có cơ sở áp dụng pháp luật thống nhất.
Hai là, đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 44 BLTTHS và các quy định khác có liên quan theo hướng liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án được quyền ra quyết định đình chỉ vụ án, cụ thể:
"Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh án, Phó Chánh án Tòa án
2. …
g) Quyết định đình chỉ vụ án …"
Trên đây là những ý kiến, quan điểm của tác giả trong quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án tạm đình chỉ tại Tòa án. Rất mong nhận được những chia sẽ, đóng góp từ quý đồng nghiệp.
VÕ MINH TUẤN
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Tổng cục Thuế yêu cầu xử lý các hồ sơ đề nghị hoàn thuế còn tồn đọng