/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15

Một số vấn đề về hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15

28/01/2024 08:07 |

(LSVN) – Triển khai Điều 106 Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 13/12/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân. Pháp lệnh Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp xử lý hành chính); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ảnh minh họa.

Nội dung có liên quan đến trợ giúp pháp lý trong quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dântại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15

Một trong những nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính là bảo đảm quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị xử lý hành chính, khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định: “Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Người được trợ giúp pháp lý theo quy định Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý như: Người có công với cách mạng; trẻ em; người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng): cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người bị nhiễm HIV. Theo đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15.

Tại Điều 7 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, theo đó quy định trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính gồm:Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; chi phí giám định và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định trách nhiệm chi trả các chi phí trên, trong đó chi phí cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì thực hiện theo quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Điều 13 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định về kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quy định về việc Thẩm phán có văn bản yêu cu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh này.

Hình thức trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15

Trong quá trình triển khai nội dungTrung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họtrong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 hiện nay vẫn còn có băn khoăn rằng: Liệu hình thức trợ giúp pháp lý trong trường hợp này tham gia tố tụng hay đại diện ngoài tố tụng?

Theo tác giả, trong vụ việc trợ giúp pháp lý hình thức trợ giúp pháp lý là gì phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trước hết là yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu tư vấn pháp luật thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lương, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu tham gia tố tụng thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước người, cơ quan tiến hành tố tụng.Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu đại diện ngoài tố tụng thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ đại diện cho họ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Do đó, trong trường hợp này cũng vậy, hình thức trợ giúp pháp lý sẽ phụ thuộc vào yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, theo tác giả việc thực hiện trợ giúp pháp lýtrong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân có thể là hình thức tư vấn pháp luật hoặc đại diện ngoài tố tụng nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu, ví dụ tư vấn pháp luật về các quy định pháp luật liên quan đến việc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính….

Tiếp đến cần phải xem xét trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân bản chất là thủ tục gì? Về thẩm quyền được giao cho Tòa án các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Tòa án phải ra một trong các quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc các vụ việc phức tạp khác thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Sau khi được phân công, Thẩm phán sẽ kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thẩm phán có văn bản yêu cu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh này.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định việc mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.Tại khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 quy định về trình tự thủ tục tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính như sau:

Thành phần phiên họp gồm: Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp; người tham gia phiên họgồm có người đề nghị hoặc người được ủy quyền; Kiểm sát viên; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cần người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan.Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 72 của Luật Trẻ em.

Trình tự phiên họp như sau: Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp; Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp; Người đề nghị hoặc người được ủy quyền trình bày nội dung đề nghị; Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có), cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên trình bày ý kiến về nội dung đề nghị; Người đề nghị hoặc người được ủy quyền; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trình bày ý kiến về căn cứ áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nhân thân của người bị đề nghị; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; Những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em; Thẩm phán hỏi người đề nghị hoặc người được ủy quyền; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ các vấn đề có liên quan; Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này; Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này và công bố nội dung quyết định ngay tại phiên họp. Trường hợp Thẩm phán quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì công bố quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

Như vậy, kết quả đầu ra của hoạt động này là Tòa án sẽ ra một trong các quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy rằng tại Pháp lệnh đã quy định rõ tư cách tham gia phiên họp và trách nhiệm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trình bày ý kiến và tranh luận về căn cứ áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nhân thân của người bị đề nghị; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng…

Tuy nhiên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Pháp lệnh số 03 thì cần căn cứ những nội dung quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tại Pháp lệnh, nhất là về chủ thể thực hiện và nội hàm hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định tại phiên họp, đối chiếu với quy định về hình thức trợ giúp pháp lý tại các điều 31, 32, 33 Luật Trợ giúp pháp lý:

Hình thức trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 32: “Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc”.

Hình thức trợ giúp pháp lýtham gia tố tụng được quy định tại khoản 1 Điều 31: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng”.

Hình thức trợ giúp pháp lýđại diện ngoài tố tụng được quy định tại khoản 1 Điều 33: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Hơn nữa, tại Pháp lệnh cũng quy định người đại diện hợp pháp là một chủ thể khác bên cạnh người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được xác định là người tham gia phiên họp.

Như vậy, trong phiên họp xem xét, quyết định xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân theo Pháp lệnh này, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên họp với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người được trợ giúp pháp lý (chính là người bị đề nghị). Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định: “Hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không phải là tội phạm thì bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của Pháp lệnh này”.

Do đó xét về nội hàm và chủ thể thực hiện thì việc tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện dưới hình thức tham gia tố tụng. Trong trường hợp này, khi nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ ra quyết định cử người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý đang bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15.

2. Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15.

3. Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Luật Trợ giúp pháp lý.

Thạc  TRỊNH THỊ THANH

Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp

 

 

Nguyễn Mỹ Linh