/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về phát hành, sửa chữa, bổ sung, mã hóa bản án hình sự của Tòa án

Một số vấn đề về phát hành, sửa chữa, bổ sung, mã hóa bản án hình sự của Tòa án

07/10/2024 06:24 |

(LSVN) - Bản án là văn bản tố tụng đặc biệt do một chủ thể duy nhất là Tòa án ban hành, thể hiện kết quả xét xử và quyết định các vấn đề của vụ án. Bản án được ban hành có hiệu lực pháp luật đòi hỏi phải được thi hành đầy đủ, kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, vì là văn bản chứa đựng kết quả giải quyết cuối cùng của vụ án, nên đòi hỏi phải được giao, gửi cho nhiều đối tượng trong một thời hạn nhất định. Nếu bản án phát hiện có sai sót cần được sửa chữa, bổ sung. Khi mã hóa để đăng tải bản án cần tuân thủ theo đúng quy tắc, các nội dung phải được rà soát mã hóa kĩ lưỡng để bảo đảm bí mật và các thông tin riêng tư. Tuy nhiên, quy định của pháp luật và thực tế thực hiện các quy định này còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Ảnh minh họa.

Phát hành bản án hình sự

Về thời hạn gửi bản án hình sự sơ thẩm, theo quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện Kiểm sát (VKS) cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, VKS cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ”. Đối với quy định này có hai vấn đề như sau:

Thứ nhất, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải “cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ”. Như vậy, khác với các đối tượng khác là Tòa án phải giao, gửi bản án; đối với đương sự thì Tòa án không gửi toàn bộ bản án mà chỉ cấp bản sao hoặc trích lục bản án. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi phát hành bản án, Tòa án có “đương nhiên” phải cấp bản sao hoặc trích lục bản án cho đương sự không? Có trường hợp Tòa án không đương nhiên thực hiện việc này mà chỉ khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án mới thực hiện. Nhưng cũng có Tòa án lại tiến hành gửi bản án cho các đương sự như đối với VKS cấp trên, CQĐT cùng cấp, CQTHAHS có thẩm quyền… Chưa kể quy định trên nêu rõ “cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án”, đây là quy định cho phép Tòa án lựa chọn một trong hai hoạt động là cấp bản sao bản án hoặc cấp trích lục bản án. Điều này tạo nên sự thiếu đồng bộ, thậm chí tùy tiện trong việc phát hành bản án cho đương sự. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn để giải quyết vấn đề này. Theo chúng tôi, để thống nhất thực hiện, cần quy định Tòa án phải gửi bản án cho đương sự như đối với VKS cấp trên, CQĐT cùng cấp, CQTHAHS có thẩm quyền…

Thứ hai, đối với vụ án do CQĐT cấp trên thực hiện, VKS cấp trên ra cáo trạng truy tố nhưng lại truy tố xuống Tòa án cấp dưới xét xử. Khi phát hành bản án, theo quy định, Tòa án gửi bản án cho CQĐT cùng cấp. Vấn đề đặt ra là theo quy định của BLTTHS thì việc Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm gửi bản án cho CQĐT cùng cấp là đúng, nhưng CQĐT cùng cấp không tiến hành điều tra vụ án. Khi kiểm sát việc giao, gửi bản án, Kiểm sát viên phát hiện và trao đổi với Tòa án về vấn đề này; Điều tra viên thuộc CQĐT cấp trên trực tiếp điều tra vụ án cũng liên hệ Thẩm phán, Thư ký đề nghị cấp bản án nhưng khi xem xét quy định của BLTTHS thì cả ba cơ quan đều phân vân và rất khó xử lý. Ở góc độ của Tòa án, việc gửi bản án cho CQĐT cùng cấp là đúng quy định, mặc dù biết rõ nội dung này có vấn đề, nhưng có thể trong nội bộ ngành điều tra sẽ có hướng dẫn thực hiện (ví dụ CQĐT cùng cấp nhận được bản án không phải do mình trực tiếp điều tra thì có trách nhiệm báo cáo, chuyển hoặc sao bản án gửi cho CQĐT trực tiếp điều tra) nên vẫn tiến hành gửi theo quy định. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, kiến nghị sửa đổi BLTTHS về việc gửi bản án theo hướng “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, VKS cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, VKS cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra vụ án…”.

Sửa chữa, bổ sung bản án hình sự

Điều 261 BLTTHS quy định: Không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Việc sửa chữa, bổ sung bản án được thể hiện bằng văn bản và giao ngay cho những người được quy định tại Điều 262 của Bộ luật này. Việc sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.

Như vậy, bản án sẽ được sửa chữa, bổ sung nếu: (i) khi có yêu cầu từ phía Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự, VKS, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án; (ii) khi Tòa án tự phát hiện có cơ sở để sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định. Về nội dung sửa chữa, bổ sung: Chỉ được sửa chữa, bổ sung nếu phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản án vụ án hoặc gây bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Chủ thể thực hiện sửa chữa, bổ sung bản án là Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đã ra bản án; nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì Chánh án Tòa án đã xét xử tiến hành.

Thứ nhất, về phạm vi sửa chữa, bổ sung: Hiện nay, phạm vi cho phép sửa chữa, bổ sung bản án là tương đối hạn chế, đó chỉ là có lỗi về chính tả; có lỗi nhầm lẫn số liệu, tính toán sai số liệu. Dẫn đến trong nhiều trường hợp phát hiện có lỗi nhưng không thuộc phạm vi này nên không thể sửa chữa, bổ sung; thậm chí có tình trạng “Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án” sai quy định về phạm vi. Mục đích của sửa chữa, bổ sung bản án là rất lớn, bảo đảm cho bản án đúng, đủ để thi hành một cách toàn diện. Do đó, cần nới rộng phạm vi cho phép sửa chữa, bổ sung bản án, lúc này sẽ giải quyết được nhiều tình huống nhưng vẫn không làm ảnh hưởng tiêu cực đến bị cáo và những người tham gia tố tụng, cũng thay đổi bản chất vụ án. Ví dụ: trong vụ án có nhiều vật chứng, trong đó có vật chứng có cách thức xử lý rõ ràng (tức là không nhầm lẫn, không tranh cãi như phần ma túy còn lại phải tịch thu, phương tiện, công cụ phạm tội không còn giá trị sử dụng phải tịch thu tiêu hủy…) mặc dù trong phần nhận định đã thể hiện đầy đủ quan điểm của HĐXX, nhưng phần quyết định lại “quên” không xử lý… hay bản án quyết định cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ, phần nhận định có nêu về việc áp dụng tình tiết này nhưng chưa phân tích vì sao lại cho bị cáo hưởng tình tiết đó…

Thứ hai, về thời hạn sửa chữa, bổ sung: Hiện nay, chưa có quy định nào quy định việc sửa chữa, bổ sung bản án được tiến hành trong thời hạn nào. Do đó, có thể hiểu việc này có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Đối với trường hợp Tòa án tự phát hiện sai sót, việc sửa chữa, bổ sung bản án cũng cần tiến hành trong thời gian hợp lý để tránh gây khó khăn cho việc thi hành án. Trường hợp các chủ thể khác phát hiện sai sót và có yêu cầu sửa chữa, bổ sung thì cần có một thời hạn cụ thể, tránh kéo dài khiến bản án khó, chậm được thi hành, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác. Do đó, kiến nghị trường hợp này, thời hạn sửa chữa, bổ sung bản án là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được yêu cầu.

Mã hóa bản án

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và không thuộc trường hợp không được đăng tải thì bản án sẽ được mã hóa và đăng tải trên Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao. Để thực hiện việc này, TANDTC đã có quy định về việc mã hóa bản án. Tuy nhiên, có một vài vấn đề như sau:

Thứ nhất, những người tiến hành tố tụng không được mã hóa. Theo chúng tôi điều này là không phù hợp. Bất kì ai cũng đều có quyền về bí mật cá nhân, trong đó không loại trừ người tiến hành tố tụng. Người tiến hành tố tụng bao gồm Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký, nhu cầu về bảo đảm thông tin của họ cũng đặt ra như đối với những người tham gia tố tụng. Chưa kể, hoạt động tố tụng hình sự là hoạt động phức tạp, luôn luôn chứa đựng sự ảnh hưởng đến một hoặc nhiều người, thậm chí là ảnh hưởng rất lớn, rất nghiêm trọng. Do đó, tâm lý không đồng thuận, chống đối, sự thù hận, ghen ghét… là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ xuất phát từ người bị truy tố hay kết án, mà còn xuất phát từ người thân, bạn bè, các đối tượng lợi dụng chống đối. Việc không mã hóa tên của người tiến hành tố tụng sẽ dẫn đến hiện tượng xuyên tạc, chê bai, hạ thấp uy tín  tên của người tiến hành tố tụng trên các thông tin đại chúng khác. Do đó, nên quy định mã hóa tên của những người tham gia tố tụng để bảo đảm quyền của họ.

Thứ hai, theo quy định hiện nay, đối với địa chỉ người tham gia tố tụng và địa danh chỉ mã hóa đến cấp quận, huyện; còn cấp tỉnh sẽ không mã hóa. Đồng thời, mã hóa bản án được tiến hành trên cơ bản bản án phát hành, nên người mã hóa thường có xu hướng dùng chữ cái viết tắt đầu tiên trong tên, ví dụ: phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh sẽ được mã hóa là phường PT, quận TP, TP. Hồ Chí Minh. Người đọc sẽ dễ dàng tìm ra địa danh chính xác về phường, quận trong địa chỉ đã mã hóa. Điều này khiến cho việc mã hóa không mang lại tác dụng, làm lộ địa chỉ và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, cần có hướng dẫn theo hướng mã hóa cả tên tỉnh, thành phố và hạn chế sử dụng tên viết tắt, chữ cái viết tắt để mã hóa.

Thứ ba, việc mã hóa bản án hiện nay còn bị xem nhẹ khi các bản án mã hóa có nhiều thiếu sót. Trên trang công bố bản án, quyết định của Tòa án, không khó để bắt gặp các bản án có lỗi trong việc mã hóa. Đó là việc mã hóa thiếu (cùng một nội dung nhưng chỗ có mã hóa, chỗ không mã hóa), mã hóa trùng lặp (hai người tham gia tố tụng khác nhau nhưng mã hóa cùng một chữ cái), mã hóa sai (trong bản án có hai người có họ và đệm khác nhau, tên giống nhau cùng được mã hóa bằng một chữ cái có số 1 và 2, sau đó bị nhầm giữa hai người này nên số mã hóa không đúng)… Nhất là đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng là những người dễ bị bỏ xót trong khi mã hóa. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra bản án mã hóa trước khi đăng tải.

NGUYỄN VĂN LINH

Tòa án Quân sự Hải Quân

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự Quân khu 4

Bàn về biện pháp tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự: Kiến nghị, đề xuất

Nguyễn Hoàng Lâm