/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Một số vấn đề về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

22/10/2021 15:07 |

(LSVN) - Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm là việc các cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm ngừng giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một thời gian nhất định khi có những căn cứ do pháp luật quy định theo một thủ tục trình tự luật định nhưng chưa đưa ra những kết luận cuối cùng về việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự và khi những căn cứ của việc tạm đình chỉ không còn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục giải quyết nguồn tin về tội phạm đó.

Ảnh minh họa.

Quy định này nhằm hạn chế việc kéo dài thời hạn giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, là căn cứ pháp lý cho việc tạm dừng xác minh cũng như cơ sở cho việc phục hồi, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau này. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể tại Điều 148.

Điều 148. Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

 ...

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự, căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố là: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

Trên thực tế có nhiều trường hợp Cơ quan điều tra không thể triệu tập người bị tố giác để xác minh lấy lời khai vì lý do người bị tố giác không có mặt tại địa phương nơi cư trú. Sau đó, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do: Không triệu tập làm việc, lấy được lời khai của người bị tố giác nên chưa có căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. 

Ví dụ: A tố cáo B có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng cách hứa hẹn nhờ người quen xin việc cho B vào cơ quan X và đã nhận của A số tiền là 100 triệu đồng rồi bỏ trốn. Qua xác minh vụ việc, Cơ quan điều tra không biết B hiện nay ở đâu, trong tàng thư căn cước không có đủ cơ sở dữ liệu để xác định nơi cư trú, lý lịch cũng như chữ viết của B. Ngoài lời khai của A và một vài người biết được sự việc và giấy biên nhận tiền thì không còn tài liệu nào khác. Do đó, việc triệu tập lấy lời khai, đấu tranh với B có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tố giác. Tuy nhiên, do không lấy được lời khai của B nên không có đủ căn cứ để đánh giá sự việc và yêu cầu của A. Do vậy, chưa thể kết luận có cơ sở để khởi tố hay không khởi tố vụ án. 

Đối với việc giải quyết tố giác như những trường hợp nêu trên, hiện nay còn tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án vì đã hết thời hạn mà vẫn chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án (trường hợp trên không thuộc một trong các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Quan điểm thứ hai: Cơ quan điều tra áp dụng điểm b khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm vì nếu ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ sẽ dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm và gây bức xúc cho bị hại, cũng như gia đình bị hại nhất là đối với nhũng vụ án được dư luận xã hội quan tâm.

Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp nêu trên, khi hết thời hạn, Cơ quan điều tra cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Bởi lẽ, tất cả các chứng cứ tài liệu đến thời điểm hiện tại chưa đủ để chứng minh đã xảy ra vụ án hình sự, theo tinh thần của nguyên tắc “suy đoán vô tội” (quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015), cần áp dụng đường lối xử lý nêu trên.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân luôn được pháp luật bảo vệ, tránh bỏ lọt tội phạm, sau khi đã có quyết định không khởi tố vụ án mà phát sinh những tình tiết mới (Ví dụ B đến đầu thú và thừa nhận hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và lời khai của B phù hợp với những tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ) có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, thì lúc đó Viện kiểm sát có thể hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự này và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 153 và Điều 161 của Bộ luật Tố tụng hình sự (nếu còn thời hiệu).

HỒ QUÂN

Vấn đề giao dịch vô hiệu khi bên chuyển nhượng tài sản là người phải thi hành án

Lê Minh Hoàng