/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Để phù hợp với thực tiễn và trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hướng dẫn, Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án, tuy nhiên một số quy định tại Điều 268 BLTTHS còn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó việc hiểu và áp dụng trên thực tiễn xét xử còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, một trong những vấn đề đó là quy định về yếu tố “ở nước ngoài” tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS 2015 có quy định: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”.

Vậy hiểu thế nào là yếu tố “ở nước ngoài” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.

Trước đây, theo hướng dẫn tại mục 23 phần II Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quốc tịch của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, cụ thể: trường hợp vụ án có bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự là người nước ngoài thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về quốc tịch như sau: “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quôc tịch Việt Nam”; khoản 1 Điều 3 Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định:"...Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam…"

Tuy nhiên, các quy định trên hướng dẫn về tình tiết “là người nước ngoài”, và không phải là hướng dẫn về tình tiết “ở nước ngoài” do đó không phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015. “Ở nước ngoài” ở đây cần được hiểu là nơi chốn, chỗ ở… (chỉ nơi cư trú). Mặc dù hiện nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này, tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có hướng dẫn về yếu tố “ở nước ngoài”.

Điều 7: Về quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS 2015
“1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

3. Tài sản ở nước ngoài
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự”.

Mặc dù, khái niệm “đương sự ở nước ngoài” trong tố tụng dân sự và “bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài” trong tố tụng hình sự là 02 khái niệm có tính chất khác nhau, nhưng nhiều quy định của Nghị quyết này lại phù hợp với tinh thần quy định của điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS năm 2015. Do vậy có thể tham khảo những hướng dẫn trên, tuy nhiên Tòa án Nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử.

HỒ QUÂN
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4
/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-phien-chat-van-dien-ra-dan-chu-thang-than-va-trach-nhiem.html