/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Một số vấn đề về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

13/06/2021 16:26 |

(LSVN) - Thực tế cho thấy, hoạt động xét hỏi tại phiên tòa, đặc biệt là phiên tòa sơ thẩm vẫn còn những bất cập. Vì thế, chức năng của các chủ thể tố tụng chưa được phân định rạch ròi. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của đất nước.

Hoạt động xét xử là hoạt động có tính đặc thù và chỉ do Tòa án thực hiện. Do đó, trong giai đoạn xét xử và đặc biệt là tại phiên tòa luôn luôn đặt ra yêu cầu đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng là phải khách quan, toàn diện và đầy đủ. 

Trong giai đoạn xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ và dựa vào những chứng cứ và quá trình xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa để Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ ra quyết định đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chính vì vậy, mà hoạt động xét hỏi tại phiên tòa được đánh giá là hoạt động quan trọng, làm căn cứ để HĐXX quyết định những vấn đề của vụ án. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy rằng, hoạt động xét hỏi tại phiên tòa, đặc biệt là phiên tòa sơ thẩm vẫn còn những bất cập. Vì thế, chức năng của các chủ thể tố tụng chưa được phân định rạch ròi. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của đất nước.

Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm

Theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và mẫu biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm được xem là một thủ tục được thực hiện trong phần tranh tụng. 

Theo quy định của BLTTHS 2015 thì trước khi xét hỏi Kiểm sát viên sẽ công bố bản cáo trạng tại phiên tòa và các ý kiến bổ sung vào bản cáo trạng (nếu có). Tuy nhiên, các ý kiến bổ sung mà Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo so với bản cáo trạng đã được công bố. Cụ thể, ý kiến bổ sung của Kiểm sát viên không làm thay đổi nội dung cơ bản của cáo trạng, tội danh, mức hình phạt của bị cáo theo hướng nặng hơn. Ý kiến bổ sung của Kiểm sát viên chỉ giải thích và làm làm rõ hơn một số vấn đề đã đề cập trong bản cáo trạng.

Sau khi Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày các ý kiến bổ sung (nếu có). Chủ tọa phiên tòa sẽ phải hỏi lại các bị cáo để khẳng định chắc chắn bản cáo trạng Kiểm sát viên vừa công bố trước đó chính là bản cáo trạng mà các bị cáo đã được nhận. 

Tiếp theo sẽ đến phần hỏi và trả lời tại phiên tòa. Phần hỏi và trả lời sẽ được điều hành bởi chủ tọa phiên tòa với mục đích xác định được đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng nội dung của vụ án đối với từng người, làm rõ những vấn đề cần cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 85 của BLTTHS. Việc xác định xét hỏi ai trước, ai sau sẽ do chủ tọa phiên tòa điều hành và quyết định. Thông thường, bị cáo sẽ được xét hỏi trước sau đó đến người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác. Trong vụ án có đông bị cáo thì bị cáo đầu vụ, chủ mưu sẽ được xét hỏi trước và các bị cáo khác sẽ được yêu cầu xác định lại lời khai của các bị cáo trước có đúng hay không và hỏi thêm những tình tiết cần xác định đối với bị cáo đó để tránh sự trùng lặp về nội dung xét hỏi. Hoặc có những chủ tọa sẽ căn cứ vào thái độ thành khẩn của các bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố để quyết định xét hỏi bị cáo đó trước. 

Về thứ tự tham gia xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia xét hỏi. Quy định về thứ tự tham gia xét hỏi về cơ bản giữ nguyên so với quy định của BLTTHS 2003.

Cùng với việc trực tiếp và nghe Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia xét hỏi thì HĐXX, Kiểm sát viên có thể công bố lời khai của người cần được xét hỏi trong giai đoạn điều tra, truy tố theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 308 BLTTHS:

“Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;

c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.”

Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Khi xét hỏi bị cáo, Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.

Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án. 

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. 

Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.

Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tiếp tục hỏi những người khác, xem xét vật chứng và các tài liệu có liên quan đến vụ án.

Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo..

Một số đánh giá về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và hướng hoàn thiện

BLTTHS 2015 ra đời tuy có nhiều điểm tiến bộ hơn so với BLTTHS 2003 để đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, xét trên phương diện về một mô hình tố tụng đề cao tính tranh tụng thì dường như các quy định trong BLTTHS 2015 vẫn còn đang rất mờ nhạt. Cụ thể, BLTTHS gộp hai phần xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa làm một và đặt tên là “thủ tục tranh tụng tại phiên tòa”. Tuy nhiên, các quy định trong thủ tục xét hỏi vẫn đặt nặng trách nhiệm xét hỏi lên vai HĐXX. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa bao giờ cũng là người đặt câu hỏi trước, sau đó sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Điều này, sẽ dẫn đến trường hợp HĐXX đã làm rõ hết những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án. Khi đến lượt Kiểm sát viên hỏi rất mờ nhạt, có những nội dung đã được HĐXX làm rõ trước đó. Những vấn đề mà Kiểm sát viên, người bào chữa hỏi các bị cáo và đương sự mà còn có mâu thuẫn, đáng lẽ ra người đặt câu hỏi phải làm rõ để Kiểm sát viên bảo vệ cáo trạng hoặc người bào chữa có cơ sở tìm những tình tiết gỡ tội thì HĐXX lại làm thay vai trò những chủ thể này.

Theo tác giả, trong phần xét hỏi, HĐXX chỉ nên đóng vai trò điều hành việc xét hỏi và công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố để đảm bảo việc công bố những tài liệu đó là hoàn toàn khách quan. Đối với việc xét hỏi,  chỗ nào mà cảm thấy chưa rõ, Chủ tọa có thể yêu cầu người đặt câu hỏi xét hỏi làm rõ tình tiết đó. Tác giả kiến nghị sửa đổi các quy định của BLTTHS 2015 về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm theo hướng như sau:

“Điều 307. Trình tự xét hỏi

Hội đồng xét xử điều hành xét hỏi để Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.

Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa quyết định thứ tự xét hỏi. Đối với những nội dung mà Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự  khi xét hỏi chưa làm rõ thì Chủ tọa yêu cầu những người này tiếp tục xét hỏi để làm rõ những nội dung đó.

Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa điều hành cho Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.

Người giám định, người định giá tài sản được xét hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.

...”.

“Điều 309: Hỏi bị cáo

1. Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.

2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Chủ tọa đề nghị Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự  hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.

Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.

Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa điều hành hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.”

“Điều 310. Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Chủ tọa phiên tòa điều hành để Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo".

Đối với Điều 311 về xét hỏi người làm chứng, nên bổ sung thêm trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự mình khai báo được thì phải có người đại diện giúp họ trình bày lời khai. Theo tác giả nên sửa đổi khoản 1 Điều 311 theo hướng như sau:

“Việc hỏi phải được tiến hành riêng đối với từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó. Đối với người làm chứng là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự mình khai báo được thì phải có người đại diện giúp họ trình bày lời khai".

Đối với việc công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 308 theo hướng như sau:

“Hội đồng xét xử tiến hành công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố theo đề nghị của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia xét hỏi

Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này”.

HOÀNG ĐÌNH DŨNG

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Không thuê trọ nữa có thể bị xóa đăng ký tạm trú từ 01/7/2021

Lê Minh Hoàng