Về lãi suất chậm thi hành án
Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (Thông tư liên tịch số 12/2015) có quy định:
“Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”.
Tuy nhiên, các đơn vị Tòa án khi xem xét điều kiện được miễn, giảm đều thường không xem xét đến “khoản lãi chậm thi hành án” đối với các khoản thu, nộp cho ngân sách Nhà nước.
Về điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020, 2022 (Luật Thi hành án dân sự), có thể thấy không có quy định về hạn chế số lần được xét giảm, có nghĩa là từ năm hết thời hạn (05 năm hoặc 10 năm), thì lần lượt trong các năm tiếp theo đều có thể được xét giảm đến khi đủ điều kiện được xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án.
Mặt khác, cũng không có hướng dẫn cụ thể về việc mức được xét giảm, mà chỉ quy định là “mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án”, dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự khi đề nghị xét giảm thường đưa ra mức tối đa là 1/4, các đơn vị Tòa án cũng thường chấp nhận mức tối đa này, bởi lẽ không có căn cứ nào để không chấp nhận.
Các quy định hiện nay về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp cho ngân sách mới chỉ hướng tới đối tượng người phải thi hành án là cá nhân mà chưa giải quyết cho các đối tượng là pháp nhân.
Do đó, hiện nay những vụ việc đối tượng phải thi hành án là doanh nghiệp phải thi hành án các khoản nộp án phí hoặc các khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước nhưng chưa có điều kiện thi hành án vẫn không được xem xét để miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án vì chưa có quy định.

Ảnh minh họa.
Về trình tự, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Căn cứ Điều 62 Luật Thi hành án dân sự, điểm a, c khoản 1 Điều 5 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2015, cơ quan thi hành án dân sự xét thấy hoặc nhận được đề nghị của Viện Kiểm sát đối với người phải thi hành án có đủ điều kiện để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thì tiến hành xác minh, lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Tuy nhiên, trong các quy định trên không yêu cầu phải có đơn đề nghị xét miễn, giảm của người phải thi hành án dẫn đến việc chưa thể hiện rõ ý chí chủ quan mong muốn được miễn, giảm nghĩa vụ phải thi hành án do các lý do đặc biệt của người phải thi hành án, đây cũng là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét khi quyết định xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao chỉ có mẫu quyết định giải quyết việc dân sự chứ không có mẫu Quyết định việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.
Theo khoản 3 Điều 63 Luật Thi hành án dân sự thì: “…Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án…”. Và theo khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 12/2015 chỉ quy định: “Quyết định miễn, giảm thi hành án của Tòa án phải có nội dung chính sau: …”. Do vậy các Tòa án ban hành quyết định chưa được thống nhất về hình thức.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những vướng mắc trên, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, bỏ quy định về việc miễn, giảm lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có), bởi người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người không có tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu…, nếu họ đã không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì việc tính thêm lãi chậm thi hành án là chưa hợp lý. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về các điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ các khoản thu nộp ngân sách nhà nước cũng như trình tự, thủ tục trong quá trình giải quyết vụ việc đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình xác minh, lập hồ sơ cơ quan thi hành án dân sự cần phải yêu cầu người phải thi hành án làm đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án.
Ngoài ra, cần sớm bổ sung các hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn cùng các loại mẫu biểu để áp dụng thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống.
Trên đây là một số vấn đề trong công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, hy vọng nhận được sự trao đổi góp ý của đồng nghiệp và bạn đọc.