Một số vướng mắc trong quy định của BLHS năm 2015 về tội ‘Quảng cáo gian dối’ và kiến nghị hoàn thiện

15/01/2024 23:25 | 7 tháng trước

(LSVN) - Quảng cáo gian dối là hành vi cố ý đưa ra một quảng cáo có chứa thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm hoặc lừa dối về tên gọi, chất lượng, giá trị, giá trị sử dụng thật của hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo để quảng bá việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ ra công chúng. Quảng cáo gian dối được xem xét là hành vi vi phạm pháp luật hình sự ngay cả khi không có thiệt hại từ việc quảng cáo này.

Ảnh minh họa.

Tội “Quảng cáo gian dối" được quy định Điều 197 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) như sau: 

“1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo quy định này có thể xác định các yếu tố cấu thành cơ bản của tội quảng cáo gian dối như sau: 

Thứ nhất, về khách thể: Tội quảng cáo gian dối về hàng hóa xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động về quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, xâm phạm đến quyền và lợi ích người tiêu dùng. Đối tượng tác động của tội phạm này là hình thức, nội dung tin tức về hàng hóa, dịch vụ mà người phạm tội đã quảng cáo.

Thứ hai, mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi quảng cáo gian dối, tức là đưa thông tin không đúng về chất lượng, hình thức, chức năng, công dụng và tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn cho khách hàng, trái với quy định của pháp luật về quảng cáo.

Thứ ba, về mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ của tội phạm là động cơ vụ lợi. 

Thứ tư, về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt. Tức là, bất kì cá nhân nào từ đủ 16 tuổi trở lên và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm.

Về hình phạt áp dụng: Khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người phạm tội bị áp dụng hình phạt từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 

Ngoài ra, người phạm tội quảng cáo gian dối còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Từ quy định của BLHS, có thể thấy, hành vi quảng cáo gian dối chỉ bị xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Về hình phạt áp dụng đối với tội quảng cáo gian dối bao gồm hình phạt chính là: “Phạt tiền”, “Cải tạo không giam giữ” và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: “Phạt tiền”, “Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”.

Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Hành vi quảng cáo gian dối diễn ra khá phổ biến trong thời điểm hiện nay, nhiều hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 197 BLHS. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 197 BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quá trình nhận thức và áp áp dụng pháp luật. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chưa có khái niệm cụ thể thế nào là hành vi quảng cáo gian dối

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một điều khoản riêng nào đưa ra khái niệm về “Quảng cáo gian dối”. Các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành chỉ đề cập tới hành vi này thông qua hình thức liệt kê một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo với nhiều từ ngữ khác nhau như:

Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ đề cập tới hành vi này thông qua hình thức liệt kê một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo với nhiều thuật ngữ khác nhau như: Trong Luật Quảng cáo sử dụng thuật ngữ: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn”; Luật Thương mại 2005 sử dụng thuật ngữ: “Quảng cáo thương mại sai sự thật”; Luật Cạnh tranh: “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn”, Luật Dược: “Quảng cáo thuốc sai sự thật hoặc nhầm lẫn”; Luật An toàn thực phẩm: “Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn”; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa: “Thông tin quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối”. Mặt khác, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng chỉ có quy định: “Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Đến nay, đây là cơ sở pháp luật đầy đủ nhất để xác định về hành vi “Quảng cáo gian dối”, việc này không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hành vi này mà còn dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách chủ quan, chưa được đồng bộ và thống nhất.

Thứ hai, mức phạt tiền còn rất nhẹ nên chưa bảo đảm được tính răn đe, chưa bảo đảm được tính phân hóa giữa chế tài hình sự và hành chính

Hiện nay, tình hình quảng cáo các loại thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người trên thị trường rất khó kiểm soát. Cùng với sự phát triển của công nghệ số và các trang mạng xã hội, các loại hình quảng cáo cũng ngày càng đa dạng hơn. Ở thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự bao quát được hết những vấn đề xảy ra trên môi trường số vì nó luôn vận động, thay đổi từng ngày. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng những lỗ hổng này để thực hiện quảng cáo tràn lan những thực phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Các vi phạm về quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trên báo mạng rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website lưu trữ trên các máy chủ đặt tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Trong đó, quảng cáo sai sự thật về các loại thực phẩm chức năng là dễ nhận biết và xuất hiện nhiều nhất trên thị trường.

Nhiều cá nhân, tổ chức luôn coi quảng cáo như một công cụ hữu hiệu nhất trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình, từ đó dẫn tới tình trạng hoạt động quảng cáo ngày càng nhiều, biến tướng cả về nội dung lẫn hình thức. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thì các loại hình quảng cáo cũng ngày càng đa dạng hơn và phát triển hơn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam tới thời điểm này vẫn chưa thực sự bao quát được hết những vấn đề có thể xảy ra trên không gian mạng bởi vì bản thân nó luôn thay đổi qua thời gian. Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là lợi dụng lỗ hổng trong kiểm duyệt nội dung đang dần khiến YouTube, Facebook, Tiktok… trở thành nền tảng "quảng cáo trá hình" cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân mặc sức quảng cáo các loại thuốc đông y, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng đến uy tín, sức khoẻ và tài chính của người tiêu dùng.

Có thể thừa nhận một thực trạng rằng, ngày nay có rất nhiều trường hợp quảng cáo sai, không đúng chất lượng sản phẩm, dịch vụ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của khách hàng. Một trong những nguyên nhân của thực trạng đó là do chế tài xử phạt của pháp luật chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là chế tài hình sự. Mức phạt tiền trong khoản 1 Điều 197 BLHS tối đa chỉ có 100.000.000 đồng.

Mặt khác, điều luật chưa đảm bảo tính phân hóa giữa chế tài hình sự và hành chính. Về nguyên tắc, chế tài trong xử lý hình sự phải có mức độ nghiêm khắc hơn bất cứ chế tài nào khác, nên việc áp dụng hình phạt tiền trong chế tài hình sự cũng phải nặng hơn mức phạt tiền trong chế tài hành chính. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo thì mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng, trong khi mức phạt tiền được áp dụng trong hình phạt chính tối đa cũng chỉ có 100.000.000 đồng, điều này là không hợp lý.

Thứ ba, khoảng cách về mức phạt tiền trong điều luật còn chưa hợp lý

Khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự quy định mức phạt khởi điểm của hình phạt tiền là 10.000.000 đồng và tối đa lên 100.000.000 đồng, với quy định như thế thì khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa là quá rộng, chênh lệch đến 90.000.000 đồng. Việc quy định khoảng cách từ mức tối thiểu đến mức tối đa quá xa dẫn đến việc áp dụng hình phạt này một cách tùy nghi, không thống nhất chủ yếu dựa vào quyết định chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dễ phát sinh tiêu cực trong áp dụng hình phạt.

Thứ tư, về xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự

Hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không chỉ được thực hiện bởi cá nhân, chủ hộ kinh doanh sản xuất mà còn đến từ chủ thể khác đó là pháp nhân thương mại. Điều luật chỉ quy định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự phải là một con người cụ thể (người nào) và phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật Hình sự mà chưa quy định pháp nhân thương mại là cũng phải chịu trách nhiệm hình sự là chưa đầy đủ, bỏ lọt chủ thể phạm tội.

Một số kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung khái niệm “Quảng cáo gian dối” vào quy định của pháp luật có liên quan để từ đó làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, nhận định hành vi này cho thống nhất. Khái niệm “Quảng cáo gian dối” có thể quy định theo hướng như sau: “Quảng cáo gian dối là hành vi quảng cáo sai sự thật không đúng nội dụng quảng cáo hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trái với quy định của pháp luật về quảng cáo”.

Thứ hai, cần tăng mức phạt tiền trong hình phạt chính chính và hình phạt bổ sung cao hơn nữa nhằm bảo đảm tính phân hóa giữa chế tài hình sự và chế tài hành chính, đồng thời tăng tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.

Thứ ba, cần thu hẹp mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong một khung hình phạt nhằm tránh sự tùy tiện, hạn chế tiêu cực trong quyết định mức phạt tiền. Để tránh sự tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật nên quy định mức phạt tiền tối đa không quá bao nhiêu lần mức tối thiểu.

Thứ tư, bổ sung quy định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là “Pháp nhân thương mại” và quy định chế tài đối với chủ thể này để tránh bỏ lọt tội phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

2. Luật Quảng cáo 2012

3. Luật Thương mại 2005

4. Luật Dược 2016

5. Luật An Toàn thực phẩm 2010.

6. Bộ luật Hình sự 1985

7.  Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

8. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo.

NGUYỄN HỒNG QUÂN - ĐẶNG ĐỨC HUYỀN

Toà án Quân sự Khu vực Quân khu 9

Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay

Từ khoá : lsvn.vn LSVN