Một số vướng mắc và kiến nghị trong việc áp dụng pháp luật đối với tội 'Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có'

04/07/2021 23:16 | 2 năm trước

(LSVN) - Nếu xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có thể sẽ góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng khác thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản

Khi không có chỗ chứa chấp, tiêu thụ tài sản bất minh thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu, chiếm đoạt tài sản của người khác có thể sẽ không xảy ra. Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng thực hiện tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thêm quyết tâm, có ý chí để thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Với các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì các đối tượng thường sẽ có dự mưu từ trước, sẽ suy nghĩ là tài sản đó có thể cất giấu, tiêu thụ được thì mới thực hiện hành vi chiếm đoạt (như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, công nhiên...). Nếu nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý khiến cho các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản không có chỗ cất giấu, không thể tiêu thụ thì sẽ triệt tiêu được ý chí thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm quyền sở hữu. Ngược lại, nếu đối tượng thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản có suy nghĩ rằng sau khi chiếm đoạt được tài sản thì có chỗ cất giấu, có chỗ tiêu thụ thì sẽ thôi thúc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Bởi vậy, việc đấu tranh với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì cần chú ý đến các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, đến các giải pháp phòng ngừa, trong đó có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có. Chính sách và nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự của Việt Nam hiện nay là nhân văn, hướng thiện, chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Khi chúng ta thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, loại bỏ được những nguyên nhân, điều kiện phạm tội thì hành vi phạm tội sẽ ít có cơ hội được thực hiện trong đời sống thực tế xã hội.

Quy định của pháp luật về hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà có có hai loại chế tài là chế tài hành chính và chế tài hình sự. Với những hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, với mức phạt tới 5.000.000 đồng cụ thể như sau:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;...”.

Với hành vi vi phạm pháp luật này thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nội dung của nghị định này cũng đang được sửa đổi, bổ sung để tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản mà biết rõ do người khác vi phạm pháp luật mà có.

Như vậy, với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản khi “biết rõ” tài sản đó do người khác vi phạm pháp luật mà có là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp người vi phạm pháp luật để có được tài sản của người khác (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, nhận hối lộ...) mà hành vi vi phạm pháp luật trước của người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản này chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội (giá trị tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm...) thì người chứa chấp, tiêu thụ mà biết rõ đây là tài sản phạm pháp nhưng vẫn cố tình chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo mức chế tài hiện nay là đến 5.000.000 đồng.

Nếu người nào “biết rõ” tài sản có nguồn gốc “bất minh” do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, tuy không hứa hẹn trước nhưng vẫn cố tình chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có thì người chứa chấp, tiêu thụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 (trước đây là Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999), cụ thể như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Đây là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Hành vi phạm tội được mô tả trong điều luật bao gồm hành vi “chứa chấp” và hành vi “tiêu thụ”. Cả hai hành vi này đều được xử lý chung trong cùng một điều luật và với mức hình phạt thấp nhất là 06 tháng tù, cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra tội danh này còn có thể áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không gian giữ nếu hành vi thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Hành vi chứa chấp tài sản được thể hiện ở các hành vi như: Nhận cất giữ, cất giấu, bảo quản hoặc cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, cất giấu, bảo quản… tài sản cho người khác mà mình biết rõ tài sản này là do người khác phạm tội mà có. Hành vi này không làm chuyển quyền sở hữu tài sản, không phải là một hình thức định đoạt mà bản chất đây là hành vi “giúp sức”, che giấu tài sản do người khác phạm pháp mà có. Nếu hành vi này được thực hiện trước khi người khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, trong thời điểm hành vi chiếm đoạt tài sản chưa thực hiện xong thì sẽ được xác định là hành vi giúp sức, là đồng phạm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi chứa chấp. Hành vi “chứa chấp” là hành vi xảy ra sau khi hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác đã hoàn thành.

Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở các hành vi như: Chuyển dịch quyền sở hữu như mua, bán, trao đổi, cho, tặng, sử dụng… tài sản cho người khác mà mình biết rõ tài sản này là do người đó phạm tội mà có. Hành vi này nguy hiểm hơn hành vi chứa chấp tài sản. Hành vi này chính là động cơ cho những đối tượng quyết tâm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có đối tượng tiêu thụ thì sẽ thúc đẩy ý chí chiếm đoạt tài sản của người khác. Thực tiễn cho thấy, ở một số địa phương địa hình biệt lập, chính quyền địa phương kiểm soát được các đối tượng tiêu thụ tài sản phạm pháp mà có khiến những hiện tượng hành vi như trộm cắp, cướp, cướp giật giảm đi đáng kể.

Nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bởi suy nghĩ rằng mình có thể cất giấu, tiêu thụ được tài sản nên đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp đối tượng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng lo sợ không có chỗ cất giấu hoặc biết là không thể tiêu thụ được thì có thể sẽ dừng ý định thực hiện hành vi phạm tội (tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm) sẽ giảm bớt những nguy cơ gây hại cho xã hội. Mối quan hệ giữa các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và nhóm đối tượng chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mà có là mối quan hệ “cộng sinh”, là nguyên nhân, điều kiện, là động cơ thúc đẩy các hành vi chiếm đoạt tài sản diễn ra nhiều hơn, phổ biến hơn trong đời sống xã hội. Bởi vậy đấu tranh với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì đồng thời phải đấu tranh với loại tội phạm này mới kiểm soát được nguyên nhân, điều kiện phạm tội.

Thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang gặp những khó khăn

Vẫn còn quan điểm khác nhau về chứng minh tội phạm, hành vi thế nào là “biết rõ” tài sản do người khác phạm tội mà có?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người phạm tội không có nghĩa vụ phải thừa nhận là mình phạm tội. Bởi vậy, trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có nhưng không thừa nhận là “biết rõ” nguồn gốc tài sản, thì nhiều khi cơ quan tiến hành tố tụng “không dám” buộc tội, mặc dù trong nhiều trường hợp có rất nhiều chứng cứ tài liệu khác để chứng minh người chứa chấp, tiêu thụ có nghĩa vụ phải biết và hành vi khách quan đã thể hiện ý thức chủ quan là đã biết. Về mặt ngữ nghĩa thì “biết” và “biết rõ” là những khái niệm khác nhau, ở mức độ nhận thức khác nhau. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn chi tiết, cụ thể giữa các khái niệm “biết” và “biết rõ” này. Để hiểu thế nào là “biết rõ” vẫn còn những quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, có nghĩa người phạm tội phải “biết rõ” đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ. Trường hợp người chứa chấp hoặc tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có hoặc “biết” nhưng không “biết rõ” thì không phạm tội này.

Trước đây việc xác định người phạm tội phải “Biết rõ” tài sản là do người khác phạm tội mà có” được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30 tháng 11 năm 2011, theo đó: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”.

Thông tư 09/2011/TTLT xác định “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

Theo khoản 4, Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội "Rửa tiền" như sau:

“4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);

b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);

c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);

d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.

Mặc dù quy định này hướng dẫn cho tội “Rửa tiền” theo Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên đều hướng dẫn về cách nhận biết, đánh giá thế nào là trường hợp“biết hay có cơ sở để biết tài sản là do người khác phạm tội mà có” nên có thể vận dụng đối với tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Theo hướng dẫn tại khoản 4, Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP thì chỉ có điểm a là đề cập đến vấn đề đối tượng tiêu thụ “trực tiếp” biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Các điểm còn lại (gồm điểm b, c, d) thì đưa ra các trường hợp “buộc đối tượng phải tự nhận thức” được đó là tài sản phạm pháp, như: Biết tài sản do phạm tội mà có qua phương tiện thông tin đại chúng (điểm b); bằng nhận thức thông thường có thể biết được nguồn gốc tiền của người thân (điểm c); theo quy định của pháp luật thì buộc phải biết nguồn gốc tài sản vì đây là tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền (điểm d).

Như vậy, về mặt căn cứ pháp luật đã có văn bản hướng dẫn việc đánh giá thế nào là trường hợp “biết rõ” hoặc “biết” hoặc “có cơ sở để biết” tài sản là do người khác phạm tội mà có. Trong đó, đã chỉ ra nhiều căn cứ để đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội và không bắt buộc người phạm tội phải thừa nhận mới đủ cơ sở để kết tội. Tuy nhiên, trên thực tế thì số vụ án và số đối tượng bị xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm quyền sở hữu rất nhiều nhưng các đối tượng bị xử lý về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì rất ít, thậm chí nhiều quận huyện là không có. Điều này cho thấy việc nhận thức cũng như áp dụng điều luật này còn nhiều hạn chế. “Tại địa bàn quận Ba Đình, năm 2017, Cơ quan điều tra khởi tố khởi tố 58 vụ/46 bị can về tội xâm phạm sở hữu nhưng không khởi tố vụ án, bị can nào về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; năm 2018, khởi tố 86 vụ/65 bị can về tội xâm phạm sở hữu, nhưng chỉ khởi tố 01 vụ án, 01 bị can về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; năm 2019, khởi tố 87 vụ/73 bị can về tội xâm phạm sở hữu, cũng chỉ khởi tố 01 vụ án, 01 bị can về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Như vậy, trong 3 năm tính riêng trên địa bàn quận Ba Đình đã có hàng trăm vụ tiêu thụ tài sản phạm pháp chót lọt mà không bị phát hiện, xử lý nếu tính rộng ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thì có thể ước tính đến hàng nghìn vụ tiêu thụ tài sản phạm pháp không bị phát hiện xử lý.”(4).

Đối với những tài sản không có đăng ký quyền sở hữu, những tài sản phổ biến không có dấu vết gì đặc thù thì có thể khó phân biệt được đâu là tài sản hợp pháp, đâu là tài sản bất minh, bất hợp pháp. Tuy nhiên, đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc những tài sản mang dấu vết của hành vi xâm phạm như bị đục, bị phá để lại dấu vết trên tài sản, có vết máu...hoặc đối tượng mang tài sản đi tiêu thụ thường xuyên mà không có giấy tờ, tài liệu chứng minh tài sản của mình, mối quan hệ giữa người bán tài sản và người tiêu thụ là quen biết nhưng không thừa nhận tài sản bất minh... thì đó cũng là căn cứ để đấu tranh, chứng minh là đối tượng chứa chấp, tiêu thụ bắt buộc phải biết đó là tài sản phạm pháp.

Căn cứ vào các tài liệu, tình tiết liên quan để khai thác, đánh giá ý thức chủ quan của đối tượng, buộc đối tượng phải nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Ví dụ, có đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên lang thang nhưng mang rất nhiều xe máy đi bán cho một vài đối tượng trong tình trạng khi giao xe thì ổ khóa xe có bị phá; khi giao xe máy đối tượng bán không đưa chìa khóa xe; xe không có biểm kiểm soát (có nhiều trường hợp đối tượng sau khi trộm cắp đã tháo biển xe để tránh bị phát hiện); mua xe máy không giấy tờ (trong khi ai cũng biết xe máy là tài sản phải có Giấy đăng ký xe); giá bán thấp hơn hẳn so với giá thực tế (có thể so sánh qua kết luận định giá); số lần đến bán xe nhiều, tần suất liên tục (để xác định đối tượng lý do gì mà có nhiều xe máy cũ không giấy tờ như thế); thời gian đối tượng đến bán là ban đêm, lúc vắng; Bên bán và bên mua biết rõ hoàn cảnh của nhau và hoàn toàn có thể nhận thức được là cái xe đó không thể là của bên bán...

Với những chứng cứ vật chất mà cơ quan điều tra thu thập được như vậy thì dù đối tượng có không thừa nhận là biết rõ đây là tài sản do phạm pháp mà có thì trên “nguyên tắc” “hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan”, với một người bình thường bắt buộc phải biết được đó là tài sản bất minh, căn cứ vào nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự thì người tiêu thụ không thừa nhận, cơ quan tố tụng vẫn có thể căn cứ vào các chứng cứ, lập luận ở trên để chứng minh tội phạm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì có quan điểm cho rằng nguyên tắc “hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan” chưa được luật hóa, chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cho rằng ý thức chủ quan là “ở trong đầu”, có biết rõ hay không chỉ có người đó mới biết. Việc suy luận là người này biết thì người khác phải biết là không chắc chắn. Chính vì thế nhiều người đã không đủ niềm tin để xử lý hành vi chứa chấp, tiêu thụ do phạm tội mà có khi đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội. Bởi vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hành vi thế nào được coi là “biết rõ” và nguyên tắc chứng minh tội phạm được thể hiện cụ thể đối với tội danh này đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Về kĩ thuật lập pháp, câu chữ sử dụng trong điều luật chưa rõ ràng, còn gây tranh cãi

Điều luật sử dụng thuật ngữ chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do “người khác phạm tội” mà có. Với nội dung câu chữ như vậy thì nhiều người sẽ hiểu rằng sẽ có tội danh này sẽ luôn đi kèm với một tội danh trước đó xâm phạm quyền sở hữu tài sản (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo...) do người khác thực hiện tội phạm. Người khác thực hiện hành vi phạm tội, làm phát sinh thêm tội tiêu thụ, chứa chấp.

Hiến pháp và pháp luật quy định “một người chỉ có được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án”. Vậy khi chưa bắt được đối tượng chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi của đối tượng chiếm đoạt tài sản không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có xử lý đối với người chứa chấp, tiêu thụ hay không là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.

Thứ nhất, người chiếm đoạt tài sản chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người chứa chấp, tiêu thụ tài sản có phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự không?

Ví dụ, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản (trị giá trên 2.000.000 đồng) chưa đủ 14 tuổi hoặc hành vi trộm cắp tài sản của người chưa đủ 16 tuổi nhưng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Sau khi hành vi trộm cắp tài sản hoàn thành thì người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự biết rõ nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản không đủ căn cứ về chủ thể để xử lý hình sự, tài sản có được coi là “phạm tội mà có” hay không khi không kết tội người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản?  Nếu hiểu theo ngữ nghĩa của điều luật thì nhiều người cho rằng phải xử lý hình sự và phải kết tội được người đã trộm cắp thì mới kết tội được người tiêu thụ.

Quan điểm của tôi cho rằng, dù người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đảm bảo điều kiện về chủ thể trong quan hệ pháp luật hình sự nhưng hành vi thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội danh này, “lén lút lấy tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên”, người khác biết được hành vi đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù không xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản do chị chính sách khoan hồng đối với họ (chủ thể đặc biệt) nhưng với người chứa chấp, tiêu thụ tài sản thì phải xử lý hình sự. Bởi vậy điều luật nên sửa câu chữ thành “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có” chứ không nên dùng cụm từ “phạm tội mà có” gây khó hiểu khi áp dụng pháp luật.

Thứ hai, người chiếm đoạt tài sản được miễn trách nhiệm hình sự hoặc thuộc một trong các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Khi người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được miễn trách nhiệm hình sự hoặc thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Nghĩa là hành vi chiếm đoạt tài sản không bị xử lý hình sự, không được coi là tội phạm thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có bị xử lý hình sự về tội chứa chấp, tiêu thụ hay không, có những quan điểm khác nhau. Quan điểm cho rằng tài sản đó không phải được xác định là do phạm tội mà có, không xử lý hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản nên cũng không xử lý hình sự đối với người chứa chấp, tiêu thụ.

Tuy nhiên quan điểm của tôi cho rằng, việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản là trái pháp luật, hành vi chiếm đoạt tài sản như vậy là nguy hiểm cho xã hội, việc không xử lý hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản chỉ trong những tình huống đặc biệt theo chính sách hình sự mà người thực hiện hành vi đó được áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể. Còn với chủ thể khác, trong mối quan hệ pháp luật khác thì sẽ không được áp dụng chính sách này. Tài sản đó được xác định là bất minh, người nào biết rõ tài sản đó là do phạm pháp nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì Phải xử lý để ngăn chặn những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Vấn đề là cần có hướng dẫn cụ thể hoặc phải sửa câu từ trong điều luật là chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác “thực hiện hành vi phạm tội” mà có thì mới không gây tranh cãi.

Thứ ba, có cần xác định giá trị tài sản chứa chấp, tiêu thụ hay không?

Thực tiễn cho thấy, với những tài sản do phạm tội mà có thì các đối tượng thường bán rẻ, đổi lấy vật không ngang giá. Bởi vậy, giá trị tài sản để xác định tội danh cũng như khung khoản điều luật áp dụng là giá trị định giá của cơ quan chức năng, giá trị tài sản tại thời điểm chiếm đoạt hay giá trị tài sản mà các đối tượng mua bán với nhau. Ví dụ, một đối tượng trộm cắp chiếc điện thoại trị giá 5.000.000 đồng nhưng chỉ bán lại cho đối tượng tiêu thụ với giá 1.000.000 đồng. Trong trường hợp này có quan điểm cho rằng số tài sản chiếm đoạt chỉ là 1.000.000 đồng nên không xử lý hình sự đối với cả hai đối tượng. Tuy nhiên, Khi hội đồng định giá trong tố tụng hình sự xác định giá trị tài sản là 5.000.000 đồng thì quan điểm của tôi là cần xử lý hình sự cả đối tượng trộm cấp tài sản và đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Trong tình huống này, các đối tượng bắt buộc phải biết giá cả thị trường của tài sản là như vậy. Việc mua bán giữa hai bên là mua bán tài sản phạm pháp, vi phạm điều cấm của pháp luật, pháp luật không thừa nhận giao dịch này và do đặc thù của tài sản bất minh nên không thể lấy giá trị các bên thoả thuận này để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi. Tuy nhiên nội dung này cũng cần phải có hướng dẫn để thống nhất áp dụng pháp luật, tránh gây tranh cãi trong thực tiễn tố tụng hình sự.

Thứ tư, có cần phải xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu đồng thời hoặc trước khi xử lý đối với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

Có quan điểm cho rằng, do điều luật quy định là chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nên cần phải xử lý về hành vi phạm tội đối với tài sản đó trước hoặc đồng thời với hành vi chứa chấp, tiêu thụ. Trong trường hợp không xác định được đối tượng nào đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc chưa xử lý được đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì sẽ không sử lý được đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ.

Tuy nhiên quan điểm của tôi cho rằng cấu thành cơ bản của tội phạm này về ý thức chủ quan thì chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản phải biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa và xử lý như thế nào. Theo hướng dẫn của hội đồng thẩm phán và thông tư liên tịch ở trên thì tài sản do phạm tội mà có có thể thông qua hành vi rửa tiền, có nguồn gốc tội phạm. Người nào biết rõ tài sản đó là bất minh, do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì hành vi này ảnh hưởng đến an toàn công cộng, bị áp dụng chế tài hình sự theo điều luật này.

Do đó, nếu có căn cứ chứng cứ chứng minh họ không hứa hẹn trước và ý thức chủ quan của họ biết rõ tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có (không phân biệt người thực hiện hành vi phạm tội là ai, họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, đã bị xử lý chưa) thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Kiến nghị

Từ những lập luận, phân tích ở trên tôi cho rằng tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nên có văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết để xác định hành vi thế nào được coi là “biết rõ”. Việc biết rõ này là trách nhiệm chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng mà không phụ thuộc vào lời khai nhận tội của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phạm pháp. Cần hướng dẫn, thống nhất quy trình chứng minh bằng những chứng cứ vật chất cho thấy hành vi “biết rõ” trong những trường hợp mà đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội.

Cần có giải thích về câu từ, ngữ nghĩa điều luật trong cụm từ “do người khác phạm tội mà có”. Cụm từ này nên sửa thành: “do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”, không phân biệt được người đó có bị xử lý hình sự hay không, đã bị xử lý hình sự chưa?. Chỉ cần có căn cứ chứng minh có người đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, tính chất nguy hiểm của hành vi đã được thể hiện rõ mà người khác biết được nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì đó là hành vi nguy hiểm, cần xem xét xử lý hình sự với hành vi chứa chấp, tiêu thụ chứ không chờ phải xử lý đối với người đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trước đó mới xử lý người chứa chấp, tiêu thụ. Về nguyên tắc cá biệt hóa vai trò của chủ thể cũng như nguyên tắc áp dụng chính sách hình sự thì sẽ áp dụng đối với từng chủ thể, trong từng hoàn cảnh chứ không áp dụng chung cho tất cả các chủ thể.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Hình sự 2015

2. Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, VKSND tối cao, TAND tối cao.

3. Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội rửa tiền

4. Trần Mạnh Hà - Phó viện trưởng VKSND quận Ba Đình: “Những vướng mắc trong xử lý tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và một số kiến nghị” (2019).

5. Vũ Tuấn Hải - Tòa án quân sự quân khu 3: “Về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS năm 2015”.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép