/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

28/09/2023 18:47 |

(LSVN) - Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.


Ảnh minh hoạ.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (viết tắt là dự thảo Luật), tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, điểm c, khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định: "Phát huy trách nhiệm của công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.". Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ thực bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật không chỉ là trách nhiệm của công dân mà là của toàn xã hội, không chỉ trách nhiệm nhiều của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan và có thể là trách nhiệm của cá nhân không phải công dân Việt Nam mà người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, đề nghị biên tập nội dung này như sau: "Phát huy trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật".

Thứ hai, đề nghị bổ sung cụm từ "vi phạm pháp luật" vào khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật như sau: "Lợi dụng, lạm dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân". Lý do, việc bổ sung nội dung này là cần thiết để tránh trường hợp Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động tệ nạn xã hội ở địa bàn.

Thứ ba, đề nghị bổ sung cụm từ "tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình"vào tên gọi của Điều 7 dự thảo Luật cho đầy đủ với nội dung điều Luật, cụ thể như sau: "Điều 7. Hỗ trợ nắm tình hình an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình".

Thứ tư, nhiệm vụ chi của Bộ Công an quy định tại Điều 25 đề nghị gộp vào Điều 28 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; nhiệm vụ chi của địa phương quy định tại Điều 26 gộp vào Điều 30 quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Hoặc đề nghị giao nhiệm vụ quy định các nội dung chi cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể (tách Điều 29 thành 02 Điều riêng), do liên quan đến việc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách. Trên cơ sở đó, Bộ Công an và chính quyền địa phương thực hiện hiện việc lập dự toán và thanh quyết toán theo quy định.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể mức tối thiểu đối với các mức chi để chính quyền địa phương có khó khăn về nguồn ngân sách có thể áp dụng, tránh tình trạng quy định tùy nghi dẫn đến một số địa phương sẽ không bố trí đầy đủ nguồn kinh phí này cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, có thể huy động kính phí từ nguồn xã hội để hỗ trợ, xây dựng Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lấy ví dụ: Nếu địa bàn cấp xã là nơi đóng chân của nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp… Để đảm bảo an toàn tài sản và hoạt động thì các công ty, nhà máy, xí nghiệp sẳn sàng bỏ nguồn kinh phí để góp phần hỗ trợ, xây dựng Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vững mạnh, do đó sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.

Thứ năm, khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an, Ủyban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã theo quy định của Luật này".

Và khoản 3 Điều 30 dự thảo Luật quy định: "Tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn. Hội đồng nhân dân cấp huyện tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã và Hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.".

Đề nghị nghiên cứu, quy định lại hai khoản của 02 Điều này cho đồng bộ, thống nhất.

ĐỖ VĂN NHÂN

Trường hợp CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm

Bùi Thị Thanh Loan