Ảnh minh họa.
Hiện nay, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (viết tắt là dự thảo Luật) đang được lấy ý kiến sâu rộng; sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, khoản 4 Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản là: "Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước".
Theo quy định trên, việc trưng mua, trưng dụng tài sản được thực hiện khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Khoản 1, khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được điều động, huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Như vậy, theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không được trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp khắc phục hậu quả sự cố. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc khắc phục hậu quả sự cố (đặc biệt các sự cố nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng) thì rất cần thực hiện biện pháp trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân để thực hiện việc khắc phục.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, chỉ một số Bộ trưởng có thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản mà không phải tất cả các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đều có thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, ngoài một số Bộ trưởng có thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền huy động vật tư, trang thiết bị để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Do vậy, cần có sự thống nhất về thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; thống nhất về nguyên tắc huy động vật tư, trang bị, phương tiện giữa dự thảo Luật với quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Về bản chất, việc huy động vật tư, phương tiện là việc trưng dụng tài sản - Điều này được thể hiện rõ nét tại khoản 3 Điều 21 dự thảo.
Thứ hai, khoản 3 Điều 44 dự thảo Luật quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự. Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều dự thảo luật, chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự bao gồm cả việc phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 14 Luật Phòng, chống thiên tai quy định: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai".
Như vậy, giữa quy định của dự thảo Luật và Luật Phòng, chống thiên tai chưa có sự thống nhất.
Thứ ba, Điều 17 dự thảo Luật mới dừng lại ở việc quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung thông tin khi có nguy cơ sự cố, thảm họa. Tuy nhiên, Điều 17 cũng như toàn bộ dự thảo Luật chưa quy định cơ quan có thẩm quyền đưa ra thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa. Quy định cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền đưa thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa là rất quan trọng. Bởi lẽ, thông tin nguy cơ sự cố, thảm họa từ cơ quan, người có thẩm quyền đưa ra sẽ là cơ sở để áp dụng một, một số hoặc toàn bộ các biện pháp được quy định tại Điều 18 dự thảo Luật. Cũng cần lưu ý, một số biện pháp được quy định tại Điều 18 dự thảo Luật là biện pháp hạn chế một số quyền và tự do của con người nên để có cơ sở áp dụng một số biện pháp được quy định tại Điều 18 dự thảo Luật rất cần quy định cụ thể cơ quan hoặc người có thẩm quyền đưa ra thông tin khi có nguy cơ sự cố, thảm họa.
Bên cạnh đó, Điều 17 quy định về thông tin khi có nguy cơ thảm họa, sự cố, trong đó đã đề cập tới các nguyên tắc như “kịp thời”, “chính xác”, ngôn ngữ là tiếng Việt... nhưng nội dung chính chưa đầy đủ. Ngoài thông tin về loại thảm họa, sự cố; cường độ, cấp độ, vị trí, dự báo diễn biến... thì cần có thông tin về khuyến cáo cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng có biện pháp ứng phó. Ngoài ra, các thông tin cần thiết về từng loại thảm họa, sự cố (bão, động đất, sóng thần, cháy rừng...) là rất đa dạng, nên cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Thứ tư, Điều 41 dự thảo Luật quy định về Quỹ phòng thủ dân sự, tác giả chọn Phương án 2: Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Lý do, quỹ phòng thủ dân sự chỉ nên hình thành và sử dụng khi sự cố bất thường xảy ra do thiên nhiên, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường. Và chỉ nên thành lập Quỹ này trong trường hợp nguồn ngân sách không đáp ứng với công tác phòng thủ dân sự để khắc phục sự cố trong một thời điểm nhất định./.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị