Một vài góp ý về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

08/10/2021 16:49 | 2 năm trước

(LSVN) - "Để phát triển điện ảnh xứng đáng với tầm vóc của ngành nghệ thuật rất quan trọng và có giá trị xã hội rất cao trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì Luật Điện ảnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu hơn, cần được bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng và cần thiết như đã nêu trên. Sản phẩm điện ảnh có chất lượng cao về nội dung và giá trị nghệ thuật phục vụ xã hội sẽ có tác đông trực tiếp và tích cực đến các quan hệ chính trị, kinh tế, bản sắc văn hóa, đạo đức, văn minh, công bằng xã hội, truyền thống, mở rộng "biên giới mềm", nâng tầm uy thế Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần xứng đáng vào phát triển văn minh nhân loại".

Ảnh minh họa.

Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành năm 2006, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2009, 2019, đến nay tiếp tục được Chính phủ đưa ra Dự thảo để trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ hai (cuối năm 2021) thảo luận, sẽ thông qua tại kỳ họp này hoặc trong năm 2022. Căn cứ dự thảo mới nhất (Dự thảo 7) của Chính phủ trình Quốc hội, dưới giác độ khoa học pháp lý và hoạt động phản biện của luật sư có thể đưa ra một số ý kiến góp ý để kịp thời xem xét thêm một số gợi ý sau đây:

1. Luật Điện ảnh hiện hành gồm 50 điều, Dự thảo mới gồm 52 Điều. Nhìn chung 52 Điều của Dự thảo chưa có những nội dung sửa đổi và bổ sung căn bản, vẫn nghiêng về thuận tiện cho quản lý nhà nước, chưa thực sự tạo hành lang pháp lý cho sáng tạo và phát triển điện ảnh Việt Nam, thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở điện ảnh và các hiệp hội nghề nghiệp điện ảnh. Thực hiện khoản 1 và 2 của Điều 2 Hiến pháp 2013 và chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và xây dựng nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền (Rule of Law) thì nhà nước chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép, các chủ thể quan hệ pháp luật có thể thực hiện bất cứ hoạt động nào pháp luật không ngăn cấm. Đặc biệt đối với các lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, nhà nước cần giữ đúng vai trò “kiến tạo phát triển”. Theo tinh thần đó thì quy định “những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh” tại Điều 11 cần được định lượng cụ thể, rõ ràng. Việc xin phép phổ biến phim để được “cấp phép phổ biến phim” như luật hiện hành và xin phép phân loại phim để được “cấp phép phân loại phim” như Dự thảo cần được thay thế bằng “đăng ký phân loại phim” và “quyết định công nhận phân loại phim”, để thực sự tôn trọng việc tự phân loại phim của các nhà sản xuất phim và cơ sở điện ảnh, căn cứ vào quy định về phân loại phim của luật.

Điều 38 của Dự thảo quy đinh liên hoan phim Việt Nam, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng và cuộc thi phim cấp quốc gia đều do Bộ VH-TT&DL trực tiếp tổ chức. Có cần thiết trực tiếp tổ chức không hay Bộ  VH-TT&DL chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, cấp phép, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, việc tổ chức nên để các tổ chức, Hiệp hội nghề nghiệp điện ảnh thực hiện? Tương tự như vậy, Điều 8 Dự thảo nhận trách nhiệm đào tạo hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, vì điện ảnh là một nghề nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp và chuyên môn rất cao nên cần tính đến chuyện xã hội hóa hoạt động này, cũng là phù hợp với Điều 5 của Dự thảo. Hoạt động dạy nghề điện ảnh rất cần để các thành phần ngoài Nhà nước cùng tham gia với Nhà nước, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý trên lĩnh vực này. Hiệp hội nghề nghiệp tại điểm c khoản 2 Điều 9 Dự thảo cũng đã được xác định có nhiệm vụ đào tạo, vì vậy cần có sự thống nhất, đồng bộ trong Dự thảo. Vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp điện ảnh cần được Luật đề cao, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ cao và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở điện ảnh và người làm điện ảnh. Việc Dự thảo đưa ra 02 phương án “tiền kiểm” hay “hậu kiểm” là không có căn cứ. Thực hiện vai trò quản trị nhà nước đối với điện ảnh, Nhà nước không  thể bỏ vai trò và thẩm quyền quản lý, cần sử dụng cả hai phương pháp một cách hợp lý và có trách nhiệm đúng với vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển điện ảnh.

2. Dự thảo cần căn cứ trực tiếp vào Hiến pháp 2013, đặc biệt là Chương 2 và các Điều có liên quan trong Hiến pháp. Trong 52 Điều Dự thảo Luật dường như không tiếp cận đến một trong những đối tượng điều chỉnh cũng là đối tượng áp dụng quan trọng nhất, đó là người tiêu dùng sản phẩm điện ảnh và dường như thiếu một nguyên tắc quan trọng nhất là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân và cộng đồng theo Điều 40, 41 của Hiến pháp. Người dân và công chúng không chỉ có quyền hưởng thụ các giá trị điện ảnh mà còn có quyền giám sát, đánh giá hoạt động này, chấp nhận hay không chấp nhận sản phẩm điện ảnh, tham gia trong quá trình điện ảnh và là người thẩm định quan trọng nhất đối với sản phẩm điện ảnh. Ngày nay, để đánh giá một sản phẩm điện ảnh trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế và đánh giá tác phẩm nghệ thuật nói chung, không thể không dựa vào một tiêu chí là sự tín nhiệm của người hưởng thụ, của công chúng, chẳng hạn thông qua kết quả việc thăm dò trên không gian mạng.

Kinh nghiệm pháp luật điện ảnh Hoa Kỳ cho thấy, một tác sản phẩm điện ảnh không thể không có sự đánh giá, công nhận của công chúng, từ rộng đến hẹp. Rộng nhất là  IMDb (The Internet Movie Database) là một website trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi, ai cũng có thể tham gia cho điểm theo thang điểm từ 01 đến 10. Cấp độ thứ hai hẹp hơn là RT (Rotten Tomatoes), những người “chấm điểm” trên trang này đang làm việc cho một đơn vị truyền thông lớn hay các ấn bản trực tuyến duy trì một mức độ lưu lượng truy cập phù hợp nhất định, đánh giá dựa trên việc tổng hợp ý kiến của nhà phê bình và tính theo tỉ lệ phần trăm. Nếu phim trên 60% thì nó được chứng nhận “tươi” (fresh), nếu không nó sẽ bị liệt vào hàng “thối rữa” (rotten), phân cực rõ ràng, một là hay, hai là dở. Hiện nay thì RT đang thể hiện sự “đáng tin” và có chất lượng hơn các cấp độ khác. Cấp độ 3 là M (Metacritic) khác RT ở cách tính điểm và lực lượng phê bình là nhóm nhà báo có uy tín đến từ những tờ báo, tạp chí danh giá ở Hoa Kỳ với bộ điểm số là điểm trung bình của rất nhiều review đến từ những nhà phê bình phim nổi tiếng, chấm điểm từ 0 đến 100. Bên cạnh 03 cấp độ đánh giá của xã hội trên đây, ở Mỹ còn có hệ thống đánh giá Fandango, người “chấm điểm” là những khán giả đã mua vé và trực tiếp đến rạp xem phim, mức đánh giá từ 01 - 05 sao.

Trong một giao diện hẹp hơn, Luật cần ghi nhận phê bình điện ảnh là quá trình phân tích và đánh giá chất lượng các sản phẩm điện ảnh. Công việc này thường do các nhà phê bình phim chuyên nghiệp hoặc các nhà báo chuyên về điện ảnh thực hiện. Các bài phê bình có thể được giới thiệu trên báo, tạp chí hoặc các phương tiện truyền thông khác sau khi các nhà phê bình và nhà báo xem phim chiếu thử. Ý kiến phê bình các bộ phim mới sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị hiếu và nhu cầu của công chúng. Thông thường, các bộ phim được giới phê bình ca ngợi sẽ thu hút nhiều khán giả hoặc ngược lại.

3. Các quy định của Dự thảo chưa thể hiện đầy đủ bản chất và đặc điểm đặc thù của hoạt động điện ảnh. Điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật, thường được gọi là “nghệ thuật thứ bảy”, là hoạt động sự nghiệp, hoạt động sáng tạo, có tính đặc thù cao. Nhiệm vụ của Luật Điện ảnh không nên chỉ đòi hỏi hoạt động điện ảnh phải tôn trọng quy luật thị trường, xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, mà quan trọng hơn, Luật phải xác định rõ, khẳng định được giá trị văn hóa, nghệ thuật của điện ảnh và hoạt động điện ảnh, tạo hành lang pháp lý bảo đảm xây dựng được giá trị văn hóa nghệ thuật cao cả của tác phẩm điện ảnh. Không có tiền thì khó khăn cho hoạt động điện ảnh, hoạt động điện ảnh phải tuân theo quy luật thị trường, phải tính đến hiệu quả kinh tế và thực sự điện ảnh đã mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Tuy nhiên, phát triển điện ảnh phải đi liền với chống thương mại hóa ngành điện ảnh, theo nghĩa tiêu cực. Nhiệm vụ của Luật là tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển tự do và mạnh mẽ điện ảnh trong kinh tế thị trường, đồng thời phải bảo vệ được giá trị văn hóa đích thực của lĩnh vực nghệ thuật có sứ mệnh cao cả này.

4. Dự thảo cần chú trọng việc phân loại điện ảnh và có hệ thống khái niệm pháp lý về từng loại sản phẩm điện ảnh. Chính sách điện ảnh, hoạt động điện ảnh, quản lý nhà nước về điện ảnh, sử dụng tác phẩm điện ảnh, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh…, tất cả đều cần gắn với quy định pháp lý về phân loại sản phẩm điện ảnh. Cần xác định thật rõ khái niệm của từng kiểu loại điện ảnh ngay trong Luật, theo các tiêu chí pháp lý rõ ràng, căn cứ vào đó chính sách khuyến khích hoặc không khuyến khích có thể tùy từng hoàn cảnh cụ thể để Nhà nước điều tiết theo quy định của Luật. Điều 32. “Phân loại phim” của Dự thảo Luật quy định: “1. Phim được phân loại như sau: a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến mọi độ tuổi người xem; b) Loại T18: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; c) Loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; d) Loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; e) Loại C: Phim không được phép phổ biến. 2. Tiêu chí để phân loại phim theo độ tuổi do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quy định”. Quy định tại điều này còn hết sức đơn giản, chưa rõ nội hàm, chỉ căn cứ vào đối tượng xem phim, và chưa đi vào bản chất của điện ảnh.

Có rất nhiều cơ sở để phân loại phim, đơn giản như phân loại theo quốc gia sản xuất, theo ngôn ngữ gốc của phim, theo đạo diễn, theo diễn viên, theo tiêu đề và nội dung phim... Cách đánh giá, phân loại phim còn tùy thuộc vào các yếu tố văn hóa, tôn giáo, chuẩn mực đạo đức… ở từng khu vực, từng quốc gia. Ở các nước Châu Á, hệ thống phân loại theo độ tuổi sẽ khắt khe hơn các nước phương Tây, đặc biệt là ở khía cạnh tình dục và bạo lực. Thông thường pháp luật của phần lớn các quốc gia đều phân loại sản phẩm điện ảnh theo độ dài phim, thể loại phim (còn gọi là dòng phim) và đối tượng xem phim.

Theo độ dài của sản phẩm điện ảnh có thể phân chia thành 03 loại: phim ngắn, thường có độ dài không quá 60 phút; phim dài, có độ dài nhiều hơn 60 phút và thường không quá 160 phút; phim rất dài hay còn gọi là phim bộ, phim nhiều tập, có độ dài trên 160 phút và không có hạn định về thời gian kết thúc, có những phim bộ thậm chí được trình chiếu trong nhiều năm mới hết.

Theo thể loại điện ảnh, sản phẩm điện ảnh được phân loại căn cứ vào ý tưởng và nội dung của kịch bản, tư tưởng nghệ thuật của phim, ý đồ đạo diễn khi thực hiện phim. Mỗi quốc gia có thể phân loại theo nhiều thể loại khác nhau. Thường thì có 08 thể loại phim chính, bao gồm: action (hành động), adventure (phiêu lưu), comedy (hài hước), crime/gangster( hình sự, tội phạm), drama (chính kịch), historical (lịch sử), horror (kinh dị), musical/dance (ca nhạc). Một số nước còn có thể thêm thể loại phim là erotic film (tình dục, khiêu dâm). Như vậy, phân loại theo thể loại phim là cách phân loại căn bản và quan trọng nhất và phản ánh bản chất, các thuộc tính nội tại của điện ảnh, không thể không có trong Luật Điện ảnh. Dự thảo Luật đã không có sự phân loại này.

Căn cứ vào đối tượng xem phim thì có thể phân loại như Điều 32 của Dự thảo. Ở Hoa Kỳ và một số nước phân loại đối tượng xem phim thành 05 loại nhãn gắn với tùng phim như sau: nhãn G (General Audiences): phim cho phép phổ biến rộng rãi;  nhãn PG (Parental Guidance suggested): có thể không thích hợp với trẻ em; nhãn PG-13 (Parents Strongly Cautioned): không nên dành cho trẻ dưới 13 tuổi; nhãn R (Restricted): dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi cùng; nhãn NC-17: không dành cho người vị thành niên.

Ba cách phân loại trên đều cần thiết phải được ghi nhận rõ ràng trong Dự thảo Luật, trong đó phân loại theo thể loại (dòng) điện ảnh là quan trọng nhất, là một phương pháp cơ bản để phân loại phim, vì nó căn cứ nội dung, thuộc tính bản chất của từng phim, dựa trên nhiều dữ liệu trong đó dữ liệu hàng đầu và quan trọng nhất là kịch bản phim. Còn việc phân loại theo độ dài phim và đối tượng xem phim là phân loại về hình thức. Vì phân loại sản phẩm điện ảnh là một khung pháp lý rất quan trọng nên cần được xác định ngay trong Luật, không nên ủy quyền lập pháp cho Chính phủ hoặc bộ quản lý nhà nước về văn hóa. Hệ thống phân loại phim được xác định rõ ràng trong Luật không chỉ giúp nhà quản lý xem xét mà quan trọng hơn, giúp nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên và những người tham gia xác định rõ đối tượng mà tác phẩm hướng đến, định hướng cho việc chỉnh sửa, biên tập tác phẩm sao cho phù hợp từng loại phim, chủ động tự điều chỉnh trước khi bị động, bị kiểm duyệt, đánh giá, thẩm định.

5. Các nguyên tắc của Luật Điện ảnh cần bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cho các chủ thể quan hệ điện ảnh và phản ánh những quan hệ có tính quy luật, xuyên suốt các quan hệ về tổ chức và hoạt động điện ảnh. Chẳng hạn khoản 6 Điều 4 Dự thảo  đưa ra nguyên tắc hoạt động điện ảnh: “Nguồn đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước cho điện ảnh phải được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Quy định này mang tính chính sách của Nhà nước về đầu tư cho điện ảnh. Nguyên tắc về hoạt động điện ảnh cần là nguyên tắc chung, không chỉ Nhà nước mà các nguồn đầu tư nói chung phải được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.

6. Về “quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phim” (Điều 35). Theo Luật này, chủ sở hữu sản phẩm điện ảnh được xác định là nhà đầu tư. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Trong Luật có chia sẻ các quyền năng cụ thể này cho các chủ thể khác nhau cùng tham gia sản xuất phim không và nếu có thì căn cứ để chia sẻ là gì? Khoản 15 Điều 3 Dự thảo đưa ra khái niệm “không gian mạng” là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Đây là khái niệm của luật về internet, luật công nghệ thông tin.

7. Một số quan hệ có liên quan tới điện ảnh cần được xem xét bổ sung trong Dự thảo Luật. Chẳng hạn cần có những quy định tạo hành lang pháp lý để xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất phim. Định mức kinh tế - kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá đặt hàng sản xuất phim và là căn cứ để bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn đầu tư cho điện ảnh. Theo quy định về đặt hàng sản xuất sản phẩm, dịch vụ công, giá đặt hàng được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cần luật hóa tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định và phân loại phim. Hiện nay Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim do Bộ VH-TT&DL thành lập và quản lý, hiện đang là Hội đồng duy nhất thực hiện việc thẩm định và phân loại phim truyện chiếu rạp. Hội đồng có 11 thành viên (trong nhiệm kỳ 2017-2019), sau đó đến nay tăng lên 17 thành viên. Do hoạt động thẩm định và phân loại phim có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh và mang tính chuyên môn rất cao nên cần đa dạng hóa các hội đồng này và bảo đảm chất lượng hoạt động của các hội đồng theo những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng và minh bạch và cần được thể hiện trong Luật.

Ưu đãi về thuế và các chính sách khuyến khích các tác phẩm điện ảnh đã có trong Luật, nhưng cần xác định rõ những điều kiện nhất định và được lượng hóa cụ thể hơn để có tính khả thi cao hơn. Các chính sách về phát triển điện ảnh cần hướng tới việc mở rộng xã hội hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động điện ảnh, khuyến khích nội địa hóa đồng thời mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để phát triển điện ảnh xứng đáng với tầm vóc của ngành nghệ thuật rất quan trọng và có giá trị xã hội rất cao trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì Luật Điện ảnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu hơn, cần được bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng và cần thiết như đã nêu trên. Sản phẩm điện ảnh có chất lượng cao về nội dung và giá trị nghệ thuật phục vụ xã hội sẽ có tác đông trực tiếp và tích cực đến các quan hệ chính trị, kinh tế, bản sắc văn hóa, đạo đức, văn minh, công bằng xã hội, truyền thống, mở rộng “biên giới mềm”, nâng tầm uy thế Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần xứng đáng vào phát triển văn minh nhân loại.

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư

Từ khoá : LSVN lsvn.vn