(LSO) - BHXH Việt Nam cho biết, sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận lại toàn bộ quá trình đóng tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động. Những người bán sổ, cầm cố sổ BHXH tại ngân hàng, hiệu cầm đồ, không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa cảnh báo tình trạng mạodanh cơ quan BHXH trên trang mạng xã hội để nhận rao bán, thanh lý sổ BHXHtrước thời hạn nhằm trục lợi của công nhân. Việc này gây ảnh hưởng rất lớnđến quyền lợi của người lao động, đồng thời gây nhiều khó khăn cho cơ quanBHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH.
Theo đó, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, công nhân mất việc làm tăng cao, đời sống khó khăn, nhiều đối tượng đã lập trang mạng xã hội Facebook giả mạo cơ quan BHXH để thu gom, mua bán sổ BHXH. Việc mạo danh cơ quan BHXH để trục lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến người lao động và uy tín của cơ quan BHXH, đây là hành vi vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự.
Mới đây nhất là việc xuất hiện một số trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương - tỉnh này tập trung rất đông công nhân, người lao động làm việc, để rao mua bán sổ BHXH. Trong khi đó, cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương nêu rõ không có và không sử dụng trang facebook chính thức nào, điều đó chứng tỏ các tài khoản facebook lấy tên BHXH tỉnh Bình Dương đều là giả mạo.
Hành vi thu gom sổ BHXH của các tổ chức này vi phạm pháp luật. Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, hậu quả của việc thu gom sổ BHXH mà ảnh hưởng làm giảm quyền hưởng BHXH của người lao động thì cũng sẽ vi phạm pháp luật.
Việc hưởng chế độ BHXH mang tính đặc thù, gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do gặp lúc khó khăn, nhiều lao động đã đem bán cuốn sổ này theo kiểu bán lúa non hoặc tệ hơn, đem cầm cố để vay nóng các đối tượng tín dụng đen. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến cáo, người dân không nên tin vào các thông tin bịa đặt của các trang mạng giả mạo thu mua sổ, việc bán hoặc cầm cố sổ BHXH để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài. Đây là hành vi lừa đảo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã báo cáo các cơ quan chức năng khởi tố, xử lý vụ việc theo quy định.
Sổ bảo hiểm xã hội không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động, sau đó, làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.
Từ ngày 15/4/2020, hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, Khoản 1 Điều 214 quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần lưu ý để tránh bị xử phạt do chưa nắm rõ quy định của pháp luật.
THANH LOAN