(LSO) - Hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những tài liệu để chứng minh khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Thực tế, mua bán hóa đơn là khá mạo hiểm và có thể coi là “hạ sách” của các doanh nghiệp để đạt được những mục đích như trốn thuế hay ẩn giấu tài sản, tình trạng của doanh nghiệp mình. Một số doanh nghiệp đã mua hóa đơn để tăng chi phí. Từ đó sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng cũng như thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp. Vậy, mua bán hóa đơn có vi phạm pháp luật không? Sẽ bị xử lý như nào nếu bị cơ quan chức năng phát hiện?
Vào tối ngày 08/9, một đại gia có tiếng trong ngành xăng dầu tại Việt Nam đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”. Theo thông tin được biết, cùng bị bắt còn có 3 nhân viên của đại gia này đều về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn” với trị giá lên đến hơn 5.000 tỉ đồng.
Vậy hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn" là hành vi gì, có vi phạm pháp luật không? Và sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Được biết, hiện nay hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn" trong các doanh nghiệp đang ngày càng diễn ra phổ biến. Với mục đích mua hóa đơn để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế nhiều doanh nghiệp đã tiến hành việc mua bán hóa đơn trong quá trình tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Hành vi trên không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định rõ về hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn của người mua như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn. Trường hợp người mua tìm lại được hóa đơn đã mất khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người mua không bị phạt tiền. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. |
Không chỉ bị xử lý về mặt hành chính, hành vi trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" được quy định rõ như sau:
Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người nào phạm tội Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cùng với đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì sẽ bị phạt như sau:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
LÂM HOÀNG