(LSO) - Tại Việt Nam thì hành vi mua dâm, bán dâm không bị coi là tội phạm trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên. Việc xử lý hành vi mua, bán dâm căn cứ theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 và Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình. Song mức phạt vi phạm hành chính hiện nay được nhiều người đánh giá là thấp, không có tính răn đe, không có tính áp dụng.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, mua, bán dâm là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Theo pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 thì bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Theo Pháp lệnh này thì các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Mua dâm; Bán dâm; Chứa mại dâm; Tổ chức hoạt động mại dâm; Cưỡng bức bán dâm; Môi giới mại dâm; Bảo kê mại dâm; Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm như những hành vi tiếp tay, che giấu, dung túng để tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động mại dâm.
Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mua dâm, hành vi mua dâm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.
Trường hợp mua dâm người chưa thành niên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua dâm người dưới 18 tuổi" theo Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó tùy theo tính chất, cũng như mức độ phạm tội sẽ xử theo các khung hình phạt tương ứng tại điều này. Mức hình phạt cao nhất có thể đến 15 năm. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Người bán dâm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán dâm, cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu người bán dâm, mua dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lây truyền HIV cho người khác" theo Điều 148 BLHS 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Còn với đối tượng môi giới mại dâm, đây là hành vi làm trung gian cho hoạt động mua, bán dâm. Hành vi này không chỉ trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, mà còn trái với các quy chuẩn đạo đức, nếp sống văn minh và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điểm c khoản 4 Điều 24 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi môi giới mua dâm, bán dâm nhưng không thường xuyên, cụ thể phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi này.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi môi giới mại dâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Môi giới mại dâm" theo Điều 328 BLHS 2015.
Theo đó, người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Đối với 2 người trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng.
Hiện nay, mại dâm là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nước có những quy định nghiêm ngặt đối với hành vi mua, bán dâm. Hành vi mua, bán dâm bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Luật pháp mỗi nước có những quy định và mức xử phạt khác nhau. Trong đó, nhiều nước áp dụng hình phạt tiền, phạt tù đối với người mua dâm nặng hơn người bán dâm.
Tại Việt Nam thì hành vi mua dâm, bán dâm không bị coi là tội phạm trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên. Hành vi bán dâm không được xem là gây hậu quả nặng nề, hay nói đúng hơn là không nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự. Vì thế, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã không xem hành mua, bán dâm là tội phạm (trừ trường hợp thực hiện hành vi bán dâm để cố ý lây truyền HIV cho người khác).
Việc xử lý hành vi mua, bán dâm căn cứ theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 và Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.
"Song mức phạt vi phạm hành chính hiện nay được nhiều người đánh giá là thấp, không có tính răn đe, không có tính áp dụng. Nhiều quan điểm cho rằng cần phải công khai danh tính người mua, bán dâm; thông báo về cơ quan, đơn vị làm việc, xã phường, nơi cư trú đối với người mua bán dâm như là một biện pháp xử lý nhằm nâng cao ý thức pháp luật của những đối tượng này; bởi danh dự, nhân phẩm vẫn là tài sản quý giá nhất của con người, xử phạt tiền là không đủ răn đe", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Ví dụ tại Mỹ, hoạt động mại dâm bị cấm ở đa số các tiểu bang, trừ tiểu bang Nevada; những người tham gia vào hành vi mua bán dâm bị cảnh sát bắt quả tang sẽ bị coi là tội phạm; khi ấy, thông tin cá nhân của họ có thể được công khai với báo giới và truyền thông.
"Để xem xét có nên áp dụng hình thức này tại nước ta hay không theo tôi cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, xem xét đảm việc xử lý hiệu quả, đảm bảo quyền công dân cũng như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Còn đối với mức phạt tiền thì có thể xem xét tăng lên", Luật sư Cường kiến nghị.
THANH THANH