/ Trao đổi - Ý kiến
/ Mức xử phạt của dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân: Cần thiết để ngăn chặn những hành vi xấu

Mức xử phạt của dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân: Cần thiết để ngăn chặn những hành vi xấu

01/03/2021 15:12 |

(LSVN) – Trước tình trạng thông tin cá nhân bị tiết lộ, bị mua bán đang diễn ra khá phổ biện hiện nay, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó có tăng chế xử lý đối với những hành vi tự ý tiết lộ, mua bán dữ liệu cá nhân là cần thiết. Có như vậy, mới tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả để ngăn ngừa việc tiết lộ, mua bán dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao cảnh giác trước những vụ tấn công, lừa đảo trên mạng, hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Ngày 09/02/2021, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Bộ Công an đề xuất xử phạt hành chính đến 80 triệu đồng với hành vi tiết lộ tên, năm sinh, số điện thoại... người khác trái phép.

Đánh giá về các quy định tại dự thảo, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng bản dự thảo đã đưa ra được khái niệm thống nhất, cụ thể về dữ liệu cá nhân, các thành phần của dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là cơ sở để cá nhân thực hiện quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình cũng như cơ quan tổ chức có liên quan thực hiện nghĩa vụ lưu trũ, cung cấp, thu thập thông tin hợp pháp, các cơ quan chức năng có căn cứ điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng vi phạm về thu thập, mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân của người khác. 

Trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay thì việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là một điều vô cùng cần thiết và việc ra đời Nghị định trong thời điểm này là vô cùng quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.

Theo dự thảo Nghị định, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại. Trong đó loại dữ liệu cơ bản gồm họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh thư, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân...

Loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền...

Theo quy định tại Điều 6 của Dự thảo thì việc tiết lộ dữ liệu cá nhân. Theo đó, bên xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp:

- Theo quy định của pháp luật;

- Công bố thông tin là cần thiết vì lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

- Trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

- Trên phương tiện truyền thông theo quy định của Luật Báo chí, không gây thiệt hại về kinh tế, danh dự, tinh thần, vật chất cho chủ thể dữ liệu;

- Trong trường hợp được pháp luật quy định là khẩn cấp, nguy cơ đe dọa tới tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cho chủ thể dữ liệu hoặc sức khỏe cộng đồng.

Nghị định cũng quy đinh xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ.

Mức phạt trên cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xoá dữ liệu cá nhân trái phép...

Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Theo Luật sư Cường đánh giá: “Mức xử phạt như vậy theo tôi cũng đã là hợp lý, phù hợp. Trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội; tính chất, mức độ nguy hiểm cao; gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì đã có chế tài hình sự để xử lý”.

Hiện nay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đã được quy định chung tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự, rải rác trong các văn bản luật và văn bản hướng dẫn có liên quan. Có rất nhiều văn bản pháp luật đề cập tới các khía cạnh của dữ liệu cá nhân như: Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Trẻ em, Luật an ning mạng, Luật an ninh quốc gia…

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác… Do đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 5 Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 thì hành vi “thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân” là hành vi bị cấm.

Điều 5 Nghị định 64/2007/NĐ-CP quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước quy định: 

“Bảo vệ thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước nắm giữ trên môi trường mạng: 

1. Cơ quan nhà nước thu nhập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng phải thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Công nghệ thông tin. 

2. Các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân bao gồm: thông báo mục đích sử dụng thông tin cá nhân; giám sát quá trình xử lý thông tin cá nhân; ban hành thủ tục kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân; các biện pháp kỹ thuật khác. 

3. Cơ quan nhà nước nắm giữ thông tin thuộc bí mật cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó và chỉ được phép cung cấp, chia sẻ cho bên thứ ba có thẩm quyền trong những trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định pháp luật thì các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành, dù đã có quy định nhưng chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân; nhiều hành vi vi phạm chưa được thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Tình trạng vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân phổ biến nhưng chế tài cho các hành vi này còn thiếu hoặc nhẹ, chưa đủ sức răn đe, Luật sư Cường đánh giá.

Thạc sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Luật sư Cường cũng kiến nghị một số giải pháp, theo đó việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngoài trách nhiệm của cơ quan đang lưu giữ, quản lý dự liệu thì còn thuộc về trách nhiệm tự bảo vệ của chính cá nhân có thông tin. Khi cung cấp, tiết lộ thông tin cho người khác thì mỗi người phải xác định việc tiết lộ đó có cần thiết không, nhằm mục đích gì và cá nhân, tổ chức nhận được giữ liệu đó có đảm bảo uy tín trong việc quản lý, bảo vệ dữ liệu của mình hay không. Mỗi người cũng nên hạn chế công khai các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội, mạng internet. Khi sử dụng các tài khoản trên mạng internet nên đảm bảo tài khoản đó có độ bảo mật cao.

Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật cũng cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật tới người dân để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân trong cuộc sống hiện nay và có biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác điều tra xử lý mạnh với đối tượng có hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung, Luật sư Cường chia sẻ.

THANH THANH

Đề xuất phạt đến 80 triệu đồng đối với việc tiết lộ dữ liệu cá nhân trái phép
 

Lê Minh Hoàng