Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hợp đồng mượn tài sản là việc một bên (bên có tài sản) giao cho bên còn lại (bên được mượn tài sản) tài sản thuộc sở hữu của mình mượn một thời gian mà không phải trả tiền.
Khi hết thời hạn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được thì phải trả lại tài sản đó. Đây là định nghĩa được nêu tại Điều 494, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cũng tại Bộ luật này, hợp đồng mượn tài sản là một trong các loại hình của giao dịch dân sự. Và căn cứ Điều 119, Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự được thể hiện bằng các hình thức dưới đây:
- Lời nói;
- Văn bản;
- Hành vi cụ thể.
Trong đó, khoản 1, Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định: "Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Đồng thời, thông điệp dữ liệu có thể gồm chứng từ điện tử, Email, Fax, điện tín, điện báo hoặc các hình thức khác".
Có thể thấy, hợp đồng mượn tài sản trong đó có hợp đồng mượn tiền không bắt buộc phải lập bằng văn bản giấy. Do đó, hợp đồng này hoàn toàn được thể hiện dưới dạng lời nói, văn bản hay hành vi cụ thể.
Trong đó, nếu mượn tiền qua tin nhắn cũng được coi là một dạng của hợp đồng mượn tài sản với hình thức là thực hiện quan phương tiện điện tử - một dạng của văn bản.
Do đó, hoàn toàn có thể mượn tiền qua tin nhắn và tin nhắn cho mượn tiền hoàn toàn được xem là hợp đồng mượn tài sản.
Cũng theo Luật sư, do tin nhắn mượn tiền vẫn được xem là một trong các hình thức của hợp đồng mượn tiền nên theo khoản 3, Điều 496, Bộ luật Dân sự năm 2015, người mượn tiền phải có nghĩa vụ trả lại số tiền đã mượn đúng thời hạn thỏa thuận.
Nếu hai bên không có thỏa thuận về vấn đề này thì người mượn tiền phải trả lại ngay số tiền cho người cho mượn ngay sau khi mục đích mượn đã được được.
Ngược lại, nếu người mượn không trả nợ dù mượn qua tin nhắn hay lập hợp đồng thì người cho mượn hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi nợ bởi quyền lợi của người cho mượn tiền trong trường hợp này đã bị xâm phạm.
Theo Điều 186, Bộ luật Tố tụng dân sự đang có hiệu lực, khi đến hạn hoặc ngay khi mục đích mượn tiền đã được thực hiện mà người mượn không trả nợ thì người cho mượn có thể khởi kiện theo thủ tục dưới đây:
Hồ sơ khởi kiện
Để được Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện, người cho mượn có thể chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ dưới đây để khởi kiện:
Đơn khởi kiện. Trong đơn, nêu rõ trường hợp và thỏa thuận cho mượn tiền cũng như có đề cập đến việc mượn tiền được thực hiện thông qua tin nhắn, thời hạn trả nợ (nếu có)…;
Những tin nhắn chứa nội dung thỏa thuận về việc mượn tiền. Thông thường, hiện nay, người mượn tiền thường sẽ lập vi bằng cho những tin nhắn này. Nếu không, người mượn tiền hoàn toàn có thể in ra hoặc nén trong đĩa, DVD… để lưu trữ tin nhắn mượn tiền, thuận lợi cho việc nộp cho Tòa án;
Giấy tờ tùy thân (bản sao): Giấy tờ tùy thân của bản thân người cho mượn và của người mượn tiền (nếu có) gồm Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn sử dụng…;
Các tài liệu, giấy tờ khác (nếu có).
Nộp hồ sơ tại Tòa nào?
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để khởi kiện, người mượn tiền có thể gửi toàn bộ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người mượn tiền cư trú theo điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc làm việc.
Hình thức nộp tiền, người cho mượn có thể lựa chọn một trong các hình thức gồm nộp trực tiếp, gửi theo đường bưu điện hoặc gửi online qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân nếu Tòa án này đã có Cổng thông tin điện tử.
Phải chờ đợi bao lâu để được Tòa án giải quyết?
Căn cứ quy định từ Điều 191 đến Điều 220, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, thời gian giải quyết thủ tục khởi kiện thông thường là 06 - 08 tháng trong đó bao gồm các thủ tục:
- Phân công Thẩm phán xét đơn;
- Đưa ra quyết định có thụ lý giải quyết đơn khởi kiện không;
- Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án;
- Gửi thông báo về việc thụ lý vụ án;
- Chuẩn bị xét xử;
- Đưa vụ án ra xét xử…
Phải nộp tạm ứng và phí khởi kiện bao nhiêu?
Căn cứ Nghị quyết 326 năm 2016, phí Tòa án sẽ căn cứ vào số tiền mượn. Thấp nhất là 300.000 đồng nếu số tiền cho vay từ 06 triệu đồng trở xuống và cao nhất là 112 triệu đồng cộng với 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỉ đồng nếu số tiền cho mượn trên 04 tỉ đồng.
TRẦN QUÝ
Những loại tài sản được đưa ra đấu giá