Ngày 15/7, Illinois đã trở thành bang đầu tiên tại Mỹ cấm cảnh sát nói dối khi thẩm vấn các nghi phạm là trẻ vị thành niên.
Luật mới quy định lời khai của trẻ em và thanh thiếu niên có được "do lừa dối" theo cách hoặc trình bày sai sự thật hoặc đưa ra cam kết khoan hồng “giả” sẽ bị coi là vô giá trị khi đưa ra tòa.
Quyết định này đã đưa Illinois trở thành bang đầu tiên trên toàn nước Mỹ cấm áp dụng luật sử dụng các nghiệp vụ đánh lừa khi thẩm vấn thanh thiếu niên.
Thống đốc Jay Robert Pritzker đã ký ban hành luật trên với hiệu lực thực thi vào năm 2022. Động thái mới nhất này sẽ giúp xóa bỏ một thực tiễn mà giới phân tích cho rằng làm tăng nguy cơ những lời khai sai sự thật, từ đó công lý không được thực thi chính xác.
Thống đốc Pritzker nhấn mạnh nguyên lý cốt lõi của quản trị tốt là nhận ra sự cần thiết phải thay đổi những điều luật không giúp ích cho người dân.
Trong nhiều thập kỷ qua, luật pháp Mỹ cho phép cảnh sát sử dụng phương thức đánh lừa các nghi phạm khi thẩm vấn, chẳng hạn như nói rằng họ có nhân chứng xác thực hành vi phạm tội của người đó.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Trường Luật Đại học New York công bố năm 2017, phương thức này đã “dẫn tới tỉ lệ lời khai sai sự thật của các nghi phạm vị thành niên ở mức cao không thể chấp nhận được".
Cơ quan quốc gia chuyên tổng hợp dữ liệu các vụ ân xá của Mỹ ước tính 12% trong hơn 2.800 vụ án thuộc cơ sở dữ liệu của cơ quan này có liên quan tới những lời khai sai sự thật.
Trong số các vụ án chấn động nhất có vụ "Central Park Five". Theo đó, một nhóm thanh niên da màu gốc Tây Ban Nha bị buộc tội "Hiếp dâm" và cố ý giết một người đi bộ tại Công viên Trung tâm ở thành phố New York vào năm 1989.
Cáo buộc này dựa trên những lời khai cảnh sát thu thập được sau khi hứa sẽ thả nhóm thanh niên trên. Các nghi phạm đã phải lĩnh án tù từ 6-13 năm. Tuy nhiên, sau đó, thủ phạm thực sự đã ra đầu thú và thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội một mình.
MINH TÂM/TTXVN
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự cấp thiết phải thông qua luật bầu cử sâu rộng