Máy bay Boeing 737 MAX thưc hiện chuyến bay kiểm tra tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 30/9/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.
Việc triển khai công nghệ băng thông rộng di động tốc độ cao của Mỹ đã được dự kiến diễn ra ngày 05/12, nhưng đã bị hoãn đến ngày 05/01 tới sau khi các hãng hàng không Airbus và Boeing bày tỏ quan ngại về khả năng gây nhiễu đối với các thiết bị máy bay sử dụng để đo độ cao.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg và người đứng đầu Cục Hàng không Liên bang, Steve Dickson, đã yêu cầu kéo dài việc trì hoãn triển khai trong một bức thư gửi AT&T và Verizon hôm 31/12, hai trong số các nhà khai thác viễn thông lớn nhất của nước này. Bức thư yêu cầu các công ty "tiếp tục tạm dừng giới thiệu dịch vụ C-Band thương mại" - dải tần số được sử dụng cho 5G - "trong một khoảng thời gian ngắn bổ sung không quá 2 tuần sau ngày triển khai dự kiến hiện tại là ngày 05/01". Các công ty trên hiện chưa phản hồi ngay lập tức đề nghị bình luận.
Bức thư của các quan chức Mỹ đảm bảo với các công ty rằng dịch vụ 5G sẽ có thể bắt đầu "theo kế hoạch vào tháng 1 với một số ngoại lệ nhất định xung quanh các sân bay ưu tiên". Các quan chức cho biết ưu tiên của họ là "bảo vệ an toàn bay, đồng thời đảm bảo rằng việc triển khai mạng 5G và các hoạt động hàng không có thể cùng tồn tại".
Tháng 2/2021, Verizon và AT&T đã được phép bắt đầu sử dụng các dải tần 3,7-3,8 GHz vào ngày 05/12, sau khi có được giấy phép trị giá hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, khi Airbus và Boeing nêu lên lo ngại về khả năng gây nhiễu cho thiết bị đo độ cao nhiệt - có thể hoạt động ở cùng tần số - thì ngày ra mắt đã được lùi lại sang tháng 01/2022.
TTXVN
Anh không áp dụng thêm các hạn chế phòng dịch trước Giáng sinh