/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Năm Dần kể chuyện hổ

Năm Dần kể chuyện hổ

31/01/2022 13:43 |

(LSVN) - Nhiều độc giả Việt Nam chúng ta biết đến Victo Huygo, nhà văn nổi tiếng người Pháp với các tác phẩm chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo tuyệt vời và ông viết về tội phạm, luận về “cỗ máy pháp luật” thì cứ như là một Luật sư tài ba hùng biện. Thế nhưng, ít người chúng ta biết được ông từng tới Việt Nam và trong tiểu thuyết “Những người lao động miền biển” kể về cuộc phiêu lưu của một thủy thủ già có chi tiết ở Thủ Dầu Một, “hổ về bắt một bà lão lúc chợ đang nhóm khá đông”.

  Ảnh minh họa. 

Chuyện cũ kể lại rằng, ngày 13/7/1914, vào lúc 4h chiều, hổ về bắt một con bò lôi vào góc khuất gần nhà thờ Tây Ninh. Giáo dân đi lễ phát hiện cấp báo cho nhân viên Tòa án và Tòa bố (Tòa hành chính tỉnh). Ông Chánh án đến ngay, có ông đội Bùi Văn Nhiều tháp tùng, ông Chánh án vừa móc súng thì con hổ lao đến, ông đội lột mũ nhà binh đánh vào mặt con hổ, hổ vồ lấy mũ xé nát, ông đội nhanh chân trèo lên cây me, ông Chánh án chạy thoát ra đường, đến Ty bưu điện gọi tiếp ứng. Sau đó, viên chủ tỉnh hạ con hổ ngay trong loạt đạn đầu tiên. Câu chuyện thú vị ở chỗ, bà con thấy cọp thì cấp báo cho Tòa án và ông Chánh án mang súng đến để xử cọp!

Hổ thường dùng làm biểu tượng cho những võ tướng, “ngũ hổ tướng quân” của Lưu Bị thời Tam quốc chẳng hạn. Nơi tướng lĩnh chủ trì bàn luận việc quân gọi là “trướng hổ”. Trong Kiều có cảnh “Trướng hùm mở giữa trung quân/ Từ công sánh với phu nhân cùng bàn”. Cái “trướng hùm” này đã trở thành công đường xét xử khi nàng Kiều ngồi vào ghế quan tòa luận tội Hoạn Thư và lũ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc Hà, Ưng, Khuyển... “Dưới cờ gươm tuốt nắp ra/ Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”, cuộc xử án công minh thấu lý, đạt tình và kết thúc trong sự thiết lập công bằng thể theo quy luật nhân - quả và ai cũng “tâm phục, khẩu phục”: “Ba quân đông mặt pháp trường/ Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”. Trướng hổ thành pháp đình, thật oai nghiêm, đường bệ!

Danh hiệu “hổ tướng” không chỉ được phong cho các tướng lĩnh võ nghệ cao cường, mưu trí phương Đông thời trung cổ mà ngay thời hiện đại này cũng dùng để gọi những nhà chỉ huy quân sự tài ba. Năm vừa qua, có vị chỉ huy quân đội lão thành vừa mất đi, đó là Trung tá Đặng Văn Việt mà những sĩ quan người Pháp tham chiến với ông nể phục, phong danh ông “Hùm xám đường số 4”. Ngoài ra, danh hiệu hổ cũng dùng để gọi giới văn nhân tao nhã, hào hoa, giỏi giang thơ phú, văn chương. Ví dụ, ở thế kỷ XVIII, đất Thăng Long có 4 người được phong là “Tràng An tứ hổ”.

Tương tự, thời Pháp thuộc có “Quảng Nam tứ hổ” suy tôn những người thông minh, học giỏi, tài năng xuất chúng là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiền, Phạm Liệu. Tại Nghệ An, có “Nam Đàn tứ hổ” ngợi ca: “Uyên bác bất như San/ Thông minh bất như Sắc/ Tài hoa bất như Quý/ Cường ký bất như lương” (Học rộng không ai bằng Phan Văn San/ Thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc/ Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý/ Trí nhớ không ai bằng Trần Văn Lương. Chúng ta có thể nhận ra 2 trong 4 người ấy đã trở thành nhân vật lịch sử là nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Hồ Chủ tịch.

Trong dân gian, hổ không chỉ là nỗi khiếp sợ của dân lành, kẻ mang đến chết chóc cho gia súc và cả con người mà còn có cả sự kính nể. Dân gian gọi hổ bằng nhiều cái tên khác nhau như hùm, cọp, khái,... nhưng đáng chú ý là còn gọi là “Ông Ba Mươi” tỏ sự kính trọng và cũng truyền tụng những câu chuyện về việc cọp trả nghĩa người. Cả những con vật khác có sức mạnh và tiềm tàng mối nguy hiểm cho các sinh vật khác chung quanh cũng được gán tên hổ, chẳng hạn như “rắn hổ mang chúa”.

Ngược lại, dân gian cũng mượn hổ để răn dạy đạo lý như: “Hổ dữ không ăn thịt con” hoặc “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Hổ cũng là biểu tượng của oai linh, trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ có nêu lý do chọn Đông Đô làm kinh đô Thăng Long vì nơi đây có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, khác với thành ngữ quen dùng là “rồng chầu, hổ phục”. Tại các lăng mộ hoặc cả dinh thự nữa, người ta chọn phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Hổ không thuộc Tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng” nhưng trong kiến trúc, văn chương, nghệ thuật, phong thủy... chúng ta đều thấy rồng và hổ thường song hành, nâng đỡ và bổ sung cho nhau chứ không bao giờ tranh hùng, song đấu. Sự linh thiêng được giữ gìn bởi “thanh long, bạch hổ”.

Có một nghi án lịch sử tồn tại gần 1.000 năm là “Vụ án hồ Dâm Đàm”, kết tội Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ vồ vua Lý Nhân Tông ở hồ Tây trong lúc thuyền rồng du ngoạn. Đây là một vụ án đầy khuất tất, oan khiên mà bọn gian thần hãm hại Thái sư Lê Văn Thịnh, một con người văn võ toàn tài, tướng mạo và phong cách oai phong như hổ. Hậu thế ngày nay đã minh oan cho ông nhưng hình ảnh bức tượng độc nhất, vô nhị tìm thấy mới đây khi khai quật là một con rồng cuộn mình đau đớn tự cắn chân mình sẽ còn ám ảnh chúng ta mãi mãi về một nỗi oan khuất thấu tận trời xanh.

Một thành ngữ dân gian từng được đưa vào sách giáo khoa cấp 1 nhưng không nhiều người rõ nghĩa là “Ăn vóc, học hay”. Câu thành ngữ này xuất phát từ những nhân vật lịch sử có thật là Trạng nguyên Lê Nại (thời nhà Hồ) sức vóc như hổ, ăn hết 18 bát cơm, 12 bát canh và Tiến sĩ Lê Như Hổ (nhà Mạc) ăn khỏe, đấu vật vô địch và cả 2 ông đều học rất giỏi. Hai ông đã đi vào truyền thuyết dân gian với những giai thoại thú vị về ăn uống, sức khỏe, sức học và sức làm việc với câu thành ngữ “Ăn vóc, học hay”.

Hình tượng hổ ít dùng và hầu như không xuất hiện trong lĩnh vực pháp luật nhưng nhìn các thẩm phán ngồi ghế quan tòa nghiêm trang và im lặng nghe công tố và luật sư tranh biện ta hình dung ra câu thành ngữ quen thuộc “Tọa sơn quan hổ đấu”. Hoặc, hình ảnh những người thực thi pháp luật vào tận sào huyệt tội phạm để bắt chúng thì đúng là chuyện “vào hang bắt cọp”.

Ngày xuân, tản mạn những câu chuyện về hổ, ngõ hầu mua vui cho các bạn luật sư - độc giả đông đảo và trung thành của tờ tạp chí chuyên ngành này. Chúc các đồng nghiệp năm Hổ dũng mãnh như hổ trong sứ mạng cao cả bảo vệ pháp luật và quyền lợi chính đáng của con người trong xu thế xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa!

* Bài viết này có sử dụng một số tư liệu do Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ cung cấp.

  BÌNH SƠN

Bị cáo Tết tại nhà, quan gia Tết tại tù

Lê Minh Hoàng