/ Pháp luật - Đời sống
/ Nam Định (Phủ Dầy): Thứ trưởng đề nghị ‘treo lại’ biển di tích, khi nào địa phương thực hiện?

Nam Định (Phủ Dầy): Thứ trưởng đề nghị ‘treo lại’ biển di tích, khi nào địa phương thực hiện?

29/12/2023 10:06 |

(LSVN) - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan ban ngành thực hiện, hướng dẫn, việc treo biển tên gọi di tích theo đúng Quyết định số 488 của Bộ trưởng. Tuy nhiên, huyện Vụ Bản chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên.

Kịp thời sửa sai…?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 5712/BVHTTDL do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký ngày 25/12/2023, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong đó có giải trình về việc treo biển tên di tích. Theo nội dung báo cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định về việc treo biển di tích là đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đúng thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 22/12/2023, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đã ký Văn bản số 5671/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Nam Định, văn bản có nội dung: Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 9064/VPCP-KGVX ngày 20/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Đơn thư ngày 18/11/2023 của ông Trần Văn Cường và người dân thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (bao gồm cả việc treo biển tên di tích) theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gọi tắt là Quyết định 488).


Theo Quyết định số 488 các tên di tích thống nhất sử dụng bao gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh.

Cách đây gần 2 năm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đã ký Văn bản số 170/BVHTTDL–DSVH với nội dung chấp thuận cho phép Phủ Tiên Hương được treo biển tên di tích với tên gọi khác là Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Chính theo văn bản số 812 của Cục di sản văn hoá, và được coi là căn nguyên dẫn đến “loạn” tên di tích khiến người dân thôn Vân Cát kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, các Văn bản số 812 và 170 là hướng dẫn chuyên môn, thẩm quyền và trách nhiệm treo biển di tích là do UBND tỉnh Nam Định.

Còn UBND Huyện Vụ Bản và UBND xã Kim Thái lại “lý giải” việc treo biển tên (Phủ Chính) là căn cứ vào Văn bản 170 và Văn bản 812 và hướng dẫn của Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tỉnh Nam Định.

Đừng để văn bản “lập lờ” cao hơn quyết định

Trao đổi với phóng viên về nội dung một số văn bản do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, Luật sư Bùi Xuân Lai, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Chỉ riêng việc hướng dẫn treo biển tên di tích mà 02 văn bản (số 170 và 5671) đã có những nội dung trái ngược “lập lờ” khiến biển tên di tích liên tục bị thay đổi. Cụ thể Văn bản số 170 chỉ là văn bản hành chính (hướng dẫn) nhưng lại có hàm ý “chỉ đạo” rất cụ thể việc treo biển tên di tích với tên gọi khác (Phủ Chính) thay thế tên thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học (Phủ Tiên Hương).

Còn Văn bản số 5671 đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn treo biển tên di tích theo Quyết định số 448/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng không hướng dẫn cụ thể là treo biển theo tên thống nhất sử dụng hay tên gọi khác.


Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện, hướng dẫn việc treo biển tên di tích theo Quyết định 488 của Bộ trưởng.

Cũng theo Luật sư Lai, hiện nay chưa có bất kỳ một quy định nào hướng dẫn cho phép treo biển tên di tích với tên gọi khác thay thế cho tên thống nhất sử dụng (mặc dù các tên di tích đều có trong hồ sơ khoa học). Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thực thi.

Vì vậy, việc Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn thực hiện treo biển tên di tích tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy theo đúng các quy định của Luật di sản văn hoá và theo Quyết định số 488 với các tên gọi Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh là (sửa sai, hướng dẫn) rất kịp thời. Bởi lẽ các văn bản hành chính (số 812 và 170) không thể thay thế văn bản có tính quy phạm pháp luật (Quyết định số 488) – Luật sư Lai nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 09/11/2021, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cũng đã có Công văn số 1287/DSVHHTDL-BT đề nghị Cục Di sản văn hoá hướng dẫn việc treo biển tên tại di tích Phủ Dầy thống nhất với Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Về việc treo biển tên di tích theo nội dung đề nghị của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tại Văn bản số 5671/BVHTTDL-DSVH, một cán bộ Phòng Văn hoá huyện Vụ Bản cho biết, chưa nhận được văn bản này và cũng chưa nhận được chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh Nam Định cũng như Sở VHTTDL tỉnh.

Từ thực tế trong công tác quản lý di tích, UBND huyện Vụ Bản rất cần sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên trong việc treo biển tên di tích đúng với tên gọi trong Quyết định số 488 trong thời gian sớm nhất, để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, góp phần phát huy một cách hiệu quả giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

TẢ THANH THIÊN

Nam Định (Phủ Dầy): ‘Loạn’ tên di tích, hé lộ ‘mâu thuẫn, ‘bất lực’ và lạm quyền?

Bùi Thị Thanh Loan