Vào đầu tháng 03/2025 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Đà Nẵng đã phát hiện một số đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” thông qua hình thức mua bán các văn bằng, giấy xác nhận và giấy phép lái xe giả, đã tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập thông tin.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự cùng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an thành phố Đà Nẵng xác định Phạm V.T (SN 1998, trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) là mắt xích quan trọng, giữ vai trò đầu mối tiếp nhận, vận chuyển và giao dịch các loại giấy tờ giả tại Đà Nẵng nên đã giám sát, theo dõi.
Tiếp tục điều tra, xác minh, từ ngày 04 đến ngày 11/4/2025, ngoài Phạm V.T, Công an TP. Đà Nẵng đã bắt giữ thêm 03 đối tượng khác có liên quan trong đường dây này.

Ảnh minh họa.
Quá trình đấu tranh chuyên án, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng trong đường dây ngoài việc mua bán văn bằng, chứng chỉ giả còn tàng trữ và mua bán các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với số lượng rất lớn. Qua khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cước công dân được nhóm này làm giả theo đặt hàng của khách cùng khối lượng lớn vũ khí thô sơ, vũ khí tự chế và hàng trăm công cụ hỗ trợ với số lượng lớn.
Theo các cơ quan chức năng, về mặt pháp lý, người có hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 02 năm. Trong một số trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù lên đến 07 năm.
Việc sử dụng giấy tờ giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cá nhân, tổ chức và tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội, đặc biệt khi các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo cơ quan Công an, thời gian vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… tình trạng mua bán các loại giấy tờ giả như bằng cấp, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe diễn ra công khai.
Các đối tượng thường đăng tảo nhiều quảng cáo như “đảm bảo bí mật”, “giống thật 100%”, “giá rẻ”, “lấy nhanh” “có hồ sơ gốc, mã QR điện tử”, “bao soi rọi, nhận hàng thanh toán”… với mục đích thực hiện các hành vi lạm dụng, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản... Khách hàng chỉ cần lựa chọn loại giấy tờ mình có nhu cầu, cung cấp thông tin cá nhân phù hợp, địa chỉ nhận hàng, sau vài ngày là đã có thể nhận được giấy tờ.
Chỉ cần gõ từ khóa “làm giấy tờ giả” trên công cụ tìm kiếm của internet dễ dàng tìm thấy hàng trăm, hàng nghìn lượt kết quả với các hội, nhóm chuyên làm giả giấy tờ hay các thủ tục... Nếu có nhu cầu, chỉ cần vài trăm nghìn đến vài triệu đồng rồi gọi điện đến số máy điện thoại quảng cáo trên mạng xã hội là sẽ được đáp ứng nhiều loại giấy tờ, từ chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, giấy tạm trú, tạm vắng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đến các loại bằng cấp đại học, bằng lái xe ô tô…
Thực tế trong thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã xử phạt hàng loạt các vi phạm, đồng thời lên tiếng cảnh báo người dân, tiến hành tổ chức tuyên truyền về thực trạng và những hệ lụy về việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả, nhưng dịch vụ làm giấy tờ giả vẫn công khai mời chào trên các trang mạng xã hội.
Từ đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, văn bằng giả, “nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả”. Khi phát hiện hành vi mua bán, sử dụng giấy tờ giả, cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Đề cao cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến giấy tờ, tài liệu để tránh bị lừa đảo, hãy tuân thủ pháp luật, bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những hệ lụy do việc sử dụng giấy tờ giả gây ra.