Ảnh minh họa.
Khi giám định chữ ký, chữ viết thì người giám định chủ yếu căn cứ vào các đặc điểm về hình dạng bên ngoài của đường nét chữ ký, chữ viết cần giám định và sử dụng các phương pháp đặc thù như: Quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp với chữ ký, chữ viết là mẫu so sánh cùng kết hợp với các phương tiện kỹ thuật bao gồm: Kính lúp, kính hiển vi và các trang thiết bị hiện đại khác để kết luận về người ký, người viết và những nội dung khác có ý nghĩa trong giải quyết vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Đặc điểm của chữ ký, chữ viết là tập hợp những dấu hiệu, thói quen, ký hiệu của người ký, người viết mà căn cứ vào đó phân biệt được chữ ký, chữ viết của người khác. Hệ thống đặc điểm của chữ ký, chữ viết gồm 02 loại: Đặc điểm chung và đặc điểm riêng.
Đặc điểm chung là những thói quen, dấu hiệu thể hiện một cách khái quát nhất dạng chữ ký, chữ viết tồn tại ở một nhóm người hoặc ở một số người, có ý nghĩa trong việc truy nguyên nhằm giúp cơ quan điều tra khoanh vùng được đối tượng nghi vấn.
Đặc điểm riêng là những dấu hiệu mang tính riêng biệt, ổn định của người ký, người viết để tiến hành truy nguyên cá biệt; xác định tính thật - giả của chữ ký, chữ viết và phương pháp, thủ đoạn giả mạo. Tuy nhiên, nếu chỉ xét một vài đặc điểm thì có thể xuất hiện ở nhiều người nhưng tổng hợp nhiều đặc điểm riêng với tần suất xuất hiện phổ biến thì chỉ có ở một người. Vì vậy, khi nghiên cứu chi tiết, không chỉ lựa chọn một đặc điểm riêng để kết luận mà cần phải lựa chọn nhiều đặc điểm để so sánh, tổng hợp mới được đưa ra kết luận nên khi đặc điểm chung giống nhau thì cần chọn được 08 đặc điểm riêng của chữ ký, chứ viết trên tài liệu mẫu so sánh thì mới đủ cơ sở để kết luận giám định.
Trên thực tế, hành vi giả mạo chữ ký, chữ viết là thủ đoạn phổ biến ở một số tội phạm như: Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174, Bộ luật Hình sự), Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" (Điều 341, Bộ luật Hình sự); Tội "Giả mạo trong công tác" (Điều 359, Bộ luật Hình sự). Đối với những loại tội phạm này, thủ đoạn gian dối trong giấy tờ, tài liệu là thủ đoạn chủ yếu mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Để làm sáng tỏ nội dung vụ án, hoạt động giám định chữ ký, chữ viết là cơ sở chứng minh.
Hoạt động giám định chữ ký, chữ viết đã đưa ra những chứng cứ khoa học, khách quan và chính xác, song thực tế hoạt động này vẫn còn tồn tại một số khó khăn gây trở ngại xác minh sự thật vụ án.
Một là, quy trình giám định giữa các địa phương không thống nhất, rõ ràng. Nhiều trường hợp, cơ quan trưng cầu phải gửi yêu cầu giám định tới địa phương khác để giám định nhưng mỗi địa phương có quy trình giám định riêng gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc sử dụng kết luận giám định của địa phương nào để giải quyết vụ án, nhiều trường hợp phải giám định lại, dẫn đến kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Đồng thời, gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện giám định.
Hai là, khó khăn trong quá trình thực hiện giám định chữ ký, chữ viết.
Cơ quan yêu cầu giám định thiếu kĩ năng trong việc phát hiện, thu lượm, bảo quản mẫu vật gửi giám định không đánh giá sơ bộ số lượng, chất lượng tài liệu có đủ yếu tố giám định hay không mà thường gửi ngay Quyết định trưng cầu giám định hoặc mẫu vật cho cơ quan giám định. Đồng thời, khi đặt câu hỏi yêu cầu giám định, giữa cơ quan trưng cầu giám định chưa có sự bàn bạc, thống nhất với người giám định về việc đặt câu hỏi dẫn đến việc đặt câu hỏi không cụ thể, logic, chưa đề cập sát đến những lĩnh vực tri thức của người giám định nên kết quả giám định không rõ ràng, không có hiệu quả trong việc giải quyết vụ án.
Một số nội dung trong yêu cầu trưng cầu giám định cần sửa đổi, bổ sung thông tin, tài liệu nhưng không thể thực hiện được vì không có sự đồng ý của cơ quan yêu cầu giám định nên giám định viên phải ra quyết định từ chối giám định do thiếu dữ liệu hoặc ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì cơ quan trưng cầu giám định kéo dài thời gian gửi quyết định trưng cầu, dẫn đến vụ việc bị tồn lại trong thời gian dài. Không chỉ vậy, đã có nhiều trường hợp gửi yêu cầu giám định qua đường bưu điện làm cho mẫu vật giám định bị hỏng, chậm trễ do quá trình vận chuyển hoặc có trưởng hợp vô tình chạm vào tài liệu giám định làm mất dấu vết đường vân hoặc tạo thêm dấu vết mới trên tài liệu trong khi đó yêu cầu giám định có cả yêu cầu giám định tài liệu và giám định đường vân.
Ba là, giám định viên trong lĩnh vực này còn thiếu cả về số lượng và chuyên môn sâu về giám định chữ ký, chữ viết.
Lực lượng biên chế làm công tác giám định tài liệu đa số kiêm nhiệm ít nhất 02 lĩnh vực giám định là giám định kĩ thuật tài liệu và giám định chữ viết, chữ ký. Vì vậy, nó đã làm hạn chế sự phát triển và thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong lĩnh vực giám định chữ ký, chữ viết mặc dù thực tế, số lượng các vụ việc liên quan đến giám định lĩnh vực này hằng năm xảy ra rất nhiều. Mặt khác, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đang bị già hóa trong khi đó số cán bộ trẻ chưa đáp ứng được chuyên môn. Ngoài ra, hoạt động giám định chữ ký, chữ viết chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, qua truyền đạt từ người này qua người khác không có đo đạc bằng các thông số cụ thể hay không có lập luận tư duy logic về các đặc điểm đưa ra gây ra những hiểu lầm hoặc nghi ngờ đến kết luận giám định.
Bốn là, các phương tiện kĩ thuật được trang bị để giám định chữ ký, chữ viết vẫn còn thiếu, cũ và lạc hậu, chưa có nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại mang tính ứng dụng cao; đặc biệt ở cấp huyện, nhiều phương tiện được cấp đã lâu, không được sử dụng, chất lượng kém, không được thay thế, bổ sung thường xuyên, khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại chỉ một số ít các cán bộ được trao quyền sử dụng, quản lý nên các phương tiện không được khai thác triệt để.
Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định chữ ký, chữ viết trong điều tra vụ án hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về quy trình giám định chữ ký, chữ viết theo hướng xây dựng quy trình riêng cho C09 và PC09.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký dấu, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong thực tế. Cần phải ban hành các văn bản quy định về giá trị của dấu chữ ký, quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng dấu chữ ký và cách thức sử dụng. Đối với người sử dụng dấu chữ ký, khi ủy quyền cho người khác sử dụng con dấu chữ ký cần phải có quy định rõ ràng phạm vi được đóng dấu chữ ký. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số trong quản lý nhà nước và các giao dịch điện tử. Đồng thời, cơ quan giám định chữ ký cần có những phương pháp phù hợp để tư vấn cho việc quản lý và giám định chữ ký số.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, lực lượng giám định viên đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cần phải có đội giám định tài liệu tách biệt với các lĩnh vực giám định khác; xây dựng cán bộ, giám định viên về chữ ký, chữ viết chuyên trách để phát triển lĩnh vực này. Trong thời gian tới, cần xây dựng chiến lược bổ sung cán bộ cho ngành kĩ thuật hình sự, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là các nhân lực trẻ chuyên ngành bằng việc xây dựng cơ chế, chế độ đãi ngộ phù hợp.
Thứ tư, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, Giám định viên đang làm công tác giám định chữ ký, chữ viết thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tổ chức tọa đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm chuyên môn; chú trọng cơ sở vật chất, trang thiết bị; lựa chọn thời gian, địa điểm phù hợp với từng địa phương.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Tòa án Quân sự Quân khu 7