/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu điện tử trong hoạt động điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao

Nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu điện tử trong hoạt động điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao

12/07/2024 06:27 |

(LSVN) - Trong thời gian qua, tình trạng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội có diễn biến phức tạp, diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước thực trạng này, để góp phần phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định nguồn chứng cứ mới là dữ liệu điện tử. Bài viết làm rõ quy định về dữ liệu điện tử và những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành thu thập, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử trong hoạt động điều tra tội phạm có sử dụng công nghệ cao, đồng thời đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn chứng cứ này trong quá trình làm sáng tỏ vụ án.

Ảnh minh họa.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của cuộc cách mạng 4.0, sự gia tăng số lượng người sử dụng mạng xã hội, các loại tội phạm mới phi truyền thống hoạt động trên không gian mạng cũng phát triển và có chiều hướng gia tăng. Trong đó phải kể đến như: tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức tặng quà, thông báo trúng thưởng qua facebook, zalo và các mạng xã hội khác; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng nghệ mới để tấn công vào trang điện tử để lấy cắp thông tin thẻ tín dụng, làm giả và rút tiền; tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử… Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS) được ban hành với nhiều quy định mới, trong đó có nội dung liên quan đến “dữ liệu điện tử” là một nguồn chứng cứ. Với nguồn chứng cứ này đòi hỏi cơ quan, người tiến hành tố tụng phải có nhận thức đúng về dữ liệu điện tử, từ đó tổ chức hoạt động thu thập, đánh giá, sử dụng hiệu quả nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Dữ liệu điện tử và vai trò của dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự

Cũng như các loại tội phạm truyền thống, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội sử dụng công nghệ thông tin cũng để lại các dấu vết phản ánh diễn biến, bản chất của hành vi. Tuy nhiên, khác với tội phạm truyền thống, ngoài các dấu vết hình sự phổ biến như đường vân, chữ viết, chữ ký, hình dấu, con dấu..., tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đã làm xuất hiện các dấu vết có liên quan tới các thiết bị, phương tiện điện tử và tồn tại dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh… ở dạng tín hiệu điện tử. Do đó, để thuận lợi trong quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng các tín hiệu điện tử, Điều 99 Bộ luật TTHS quy định: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.

Dữ liệu điện tử có những đặc điểm đặc trưng, khác biệt mà chủ thể điều tra cần phải nhận diện để có thể phát hiện, thu thập và sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Đó là:

(i)Khác với các loại nguồn chứng cứ khác, dữ liệu điện tử được hình thành dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, được lưu giữ trên các phương tiện, thiết bị điện tử (máy tính, máy ảnh, máy điện thoại di dộng, camera, thiết bị lưu trữ khác). Như vậy, có thể thấy dữ liệu điện tử có phạm vi rất rộng và đa dạng. Lượng các thông tin chứa đựng trong dữ liệu điện tử rất lớn, có thể khai thác để phục vụ cho việc điều tra, chứng minh tội phạm.

(ii) Dữ liệu điện tử không bao giờ tồn tại một cách độc lập mà luôn gắn liền với sự tồn tại của những thiết bị, phương tiện điện tử cụ thể như: smart cards, media, thiết bị định vị GPS, máy vi tính, máy quét, điện thoại di động, máy ghi âm, ghi hình, máy photocopy, ổ cứng, đĩa mềm... Dữ liệu điện tử có thể được tự tạo ra từ các thiết bị điện tử một cách nguyên phát và mang đặc điểm nguyên thủy của các thiết bị này, mặt khác dữ liệu điện tử cũng có thể được tạo ra bởi hành vi cố ý hoặc vô ý của con người khi thực hiện các hoạt động soạn thảo văn bản, bảng biểu, tranh ảnh, thông tin,… hoặc cũng có thể được tạo ra từ các hoạt động của các cơ quan và cá nhân khi thực hiện chức năng nhiệm vụ.

(iii)Dữ liệu điện tử dễ bị tác động, bị xóa hoặc thay đổi trong quá trình lưu trữ, truyền tải, sao chép, bởi các tác nhân như virus, dung lượng bộ nhớ, lệnh lưu trữ của phần mềm, phương pháp truy cập, mã hóa, truyền tải trên mạng... Tuy nhiên, trong một số trường hợp dữ liệu điện tử cũng có thể được phục hồi, kể cả khi đã bị xóa, bị ghi đè, dưới dạng ẩn, đã mã hóa và làm cho có thể đọc, nhìn thấy và có thể được sử dụng lại.

(iv)Dữ liệu điện tử được quy định là một nguồn chứng cứ, do đó cần bảo đảm các điều kiện để trở thành chứng cứ đó là tính khách quan, tính liên quan và hợp pháp. Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, trong quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật TTHS và quy định có liên quan.

(v)Với tư cách là một nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự, dữ liệu điện tử có vai trò quan trọng trong quá trình làm sáng tỏ vụ án, là căn cứ để xác định có hay không có tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- Dữ liệu điện tử có thể cung cấp các thông tin, tài liệu với đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ chứng minh làm rõ tội phạm, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Các thông tin hình ảnh của dữ liệu điện tử là những phản ánh khách quan xảy ra trên thực tế, nếu được các cơ quan có thẩm quyền điều tra thu thập, khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nó đã trở thành chứng cứ với đầy đủ các thuộc tính luật định để chứng minh làm rõ tội phạm theo quy định của pháp luật.

- Dữ liệu điện tử có quan hệ chặt chẽ với các nguồn chứng cứ khác của tố tụng hình sự trong phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ điều tra chứng minh làm rõ tội phạm theo quy định của pháp luật. Các thông tin, tài liệu, hình ảnh từ dữ liệu điện tử luôn có mối quan hệ mật thiết với những thông tin, tài liệu khác mà cơ quan điều tra thu từ các nguồn: vật chứng; lời khai; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong các hoạt động tố tụng hình sự… Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp

4.0 hiện nay, khoa học kỹ thuật công nghệ điện tử phát triển mạnh mẽ, việc phát hiện, thu thập, khai thác sử dụng dữ liệu điện tử kết hợp với các nguồn chứng cứ khác để điều tra chứng minh làm rõ tội phạm đã trở thành phương thức điều tra đặc thù, mang tính phổ biến.

- Dữ liệu điện tử giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật TTHS về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì ngay sau khi khởi tố điều tra thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh có quyền ra quyết định (có sự phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp) về việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, như: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội, với những phương thức, thủ đoạn hoạt động như phát tán phần mềm độc hại, tấn công trang website, xâm nhập cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước, các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức để lấy cắp thông tin, phá hoại dữ liệu, chiếm quyền điều khiển máy tính; lừa đảo, bán hàng đa cấp; sử dụng các loại phần mềm, thiết bị chuyên dụng lấy cắp thông tin thẻ tín dụng, làm thẻ giả để thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông qua mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook... gửi thông tin để kết bạn, làm quen hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bưu điện... lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt. Đặc biệt trong thời gian qua nổi lên các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng. Như vụ việc xảy ra vào tháng 5/2024 chị P.T.C (trú tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) và chị T.N.H (trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả) nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm qua ứng dụng telegram của người tự xưng là nhân viên một sàn thương mại điện tử. Yêu cầu công việc rất đơn giản, người tham gia chỉ cần ứng tiền nhận nhiệm vụ và hoàn thành là có thể nhận tiền gốc cùng tiền hoa hồng, khi số tiền đóng vào có giá trị lớn thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do yêu cầu chị C và chị H phải đóng thêm nhiều khoản phí thì mới rút được tiền về. Cứ như vậy, tổng số tiền chị C và chị H bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới trên 2,4 tỉ đồng(1).

Ngoài ra, các đối tượng còn triệt để sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng internet hết sức phức tạp với quy mô hoạt động diễn ra ở hầu hết các địa phương nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu, xóa các dấu vết, tài liệu, chứng cứ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, phát hiện. Điển hình như: vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao -     CNC), Phan Sào Nam (Chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng, đã lôi kéo gần 43.000 tài khoản đăng ký tham gia, tổng số tiền thu lời bất chính hơn 9.850 tỉ đồng; vụ án Nam “Ngọ” tổ chức đánh bạc trực tuyến với số tiền trên 1.600 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được tiến hành quyết liệt, thu được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đã kéo theo đó là tình hình tội phạm sử dụng công nghệ thông tin diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có chiều hướng ra tăng. Quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu, đặc biệt là các dữ liệu điện tử để chứng minh tội phạm, làm rõ sự thật vụ án còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, điển hình như:

(i) Đối tượng phạm tội có ý thức che giấu hành vi tội phạm, thường xuyên xóa, hủy chứng cứ là dữ liệu điện tử bằng nhiều phương pháp. Nhiều trường hợp khi thu thập được dữ liệu điện tử nhưng dữ liệu này lại bị mã hóa, khiến cho việc phục hồi, khai thác nội dung tài liệu chứng minh hành vi phạm tội là vô cùng khó khăn.

(ii)Một số chủ thể tiến hành tố tụng chưa nắm vững quy tắc, nguyên tắc hoạt động của các thiết bị lưu trữ dữ liệu, phương tiện điện tử. Quá trình tìm kiếm, thu thập đã không phát hiện được đầy đủ thiết bị liên quan hoặc thu giữ thiết bị nhưng không bảo đảm tính nguyên vẹn và khách quan cho dữ liệu trong thiết bị, thiết bị không cùng với các bộ phận kèm theo khác.

Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khôi phục, phân tích dữ liệu, chứng cứ điện tử còn nhiều hạn chế; trong cùng một thời điểm không thể giải quyết yêu cầu phân tích, phục hồi dữ liệu cho nhiều đơn vị. Cán bộ thực hiện công tác phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử còn thiếu và chưa có nhiều kỹ năng trong thu thập, đánh giá, khôi phục dữ liệu điện tử. Điều kiện cơ sở vật chất, các công cụ hỗ trợ, phần mềm, phương tiện cho công tác phục hồi, phân tích dữ liệu chưa được bổ sung, nâng cấp kịp thời.

Với những tồn tại, hạn chế nêu trên, xác định có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: chưa có quy định riêng về việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong… đối với chứng cứ điện tử, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” với tư cách là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, cá nhân, tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời dữ liệu điện tử; trang thiết bị phục vụ cho công tác thu thập dữ liệu điện tử còn thiếu, lạc hậu; trình độ, kỹ năng về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông của lực lượng làm công tác điều tra còn hạn chế, chưa hiểu rõ những kiến thức cơ bản về loại chứng cứ này đã dẫn đến việc làm mất, hư hỏng dữ liệu, chứng cứ điện tử, gây khó khăn cho việc khôi phục, phân tích dữ liệu. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu điện tử trong hoạt động điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, cần làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật trong quy định về chứng cứ điện tử, quy trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử. Chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống, vì vậy cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu; cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này. Đồng thời, phổ biến, triển khai các quy định đã có tới các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, hạn chế bất cập, thiếu sót do chưa nắm vững quy trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử gây ra. Đề xuất Bộ Công an phối hợp các ngành tư pháp Trung ương nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự thủ tục thu thập, bảo quản, sử dụng dữ liệu điện tử để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn từ cơ bản đến chuyên sâu cho lực lượng điều tra viên, kỹ thuật hình sự về kiến thức công nghệ thông tin, cũng như thao tác kỹ năng thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử, bảo đảm sự nguyên vẹn và giá trị chứng minh của chứng cứ. Đồng thời, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa điều tra viên, trinh sát viên và kỹ thuật viên trong quá trình khai thác các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ công tác thu thập, phân tích, phục hồi dữ liệu điện tử. Đề xuất Bộ Công an cần có định hướng lâu dài trong việc xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin trong ngành công an, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước mắt, cần có cơ chế thu hút để tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ cao từ ngành ngoài vào biên chế ngành công an. Thứ ba, đầu tư trang thiết bị, phần mềm phải đáp ứng được yêu cầu thực tế công tác, cập nhật được công nghệ tiên tiến, hiện đại, tránh lãng phí. Phát huy nội lực trong nghiên cứu, phát triển giải pháp, sản xuất một số công cụ phần cứng và phần mềm tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện, thu thập, phân tích dữ liệu, phương tiện điện tử để tránh không lệ thuộc hoàn toàn nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Quan tâm, động viên, khen thưởng xứng đáng, giải quyết chế độ, chính sách kịp thời cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử nhằm thu hút lực lượng cán bộ có năng lực, tâm huyết với nghề nghiệp.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan trong, ngoài ngành công an và các chuyên gia về công nghệ thông tin để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Đặc biệt mối quan hệ phối hợp với các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ (A05), lực lượng kỹ thuật hình sự, các cơ quan viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinafone, FPT, BKAV… để thu thập, phân tích dữ liệu điện tử nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hình sự.

Thứ năm, chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thu thập, xử lý dữ liệu điện tử trong điều tra từng vụ án, vụ việc. Trên cơ sở đó phổ biến những bài học thành công và kinh nghiệm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, sửa chữa những sai sót trong thu thập, xử lý dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong điều tra các các vụ án nói chung, vụ án mà đối tượng sử dụng công nghệ cao nói riêng.

(1) Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng, congan.quangninh.gov, ngày 12/6/2023.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Học viện Cảnh sát nhân dân, Hội thảo khoa học, Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình trong luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân”, Hà Nội, 2019.

4. Bài viết Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng, đăng trên trang Congan.quangninh.gov ngày 12/6/2023.

ThS. PHẠM VĂN TOÀN

Học viện Cảnh sát Nhân dân

Kinh doanh bất động sản cho thuê: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

Nguyễn Hoàng Lâm