/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Nâng cao trách nhiệm cộng đồng của luật sư qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng của luật sư qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

05/01/2021 17:56 |

LSVNO - Trong những năm qua, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật đang ngày một hoàn thiện nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

LSVNO - Trong những năm qua, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật đang ngày một hoàn thiện nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Người khuyết là đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, hơn hết họ rất cần những tấm lòng sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ, động viên trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày. Trong cuộc sống hàng ngày, người khuyết tật vốn gặp vô số khó khăn trong việc thiết lập các quan hệ xã hội và giao dịch dân sự. Chưa kể, nếu họ là một trong các chủ thể tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.., thì các khó khăn, bất cập đối với họ nhiều gấp bội phần.

 Việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh: Internet.

Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã xác định người khuyết tật là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định người khuyết tật có quyền: “Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật”.

Thực tiễn hành nghề luật sư trong những năm qua tôi nhận thấy, việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến người khuyết tật (đối tượng đương nhiên được hưởng trợ giúp pháp lý của Nhà nước) vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, chưa kịp thời, hiệu quả. Có vô số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên đơn cử một vài nguyên nhân có thể kể ra như sau:

Thứ nhất, tâm lý e ngại nhận trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Đây là tâm lý thông thường của một số trường hợp người khuyết tật có vụ việc cần tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý nhưng vì một lý do nào đó, có thể là tâm lý ngại tiếp xúc với luật sư, trợ giúp viên pháp lý, ngại hoàn cảnh khó khăn, tâm lý tự ty mặc cảm, hoặc ngại vướng vào những vấn đề pháp lý phức tạp. Vì vậy họ thường không có ý thức tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý để nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý tư vấn cho họ.

Thứ hai, người khuyết tật thường thiếu thông tin và hiểu biết về quyền lợi chính đáng của bản thân đối với quyền được trợ giúp pháp lý. Đây là một thực tế, vì không phải người khuyết tật nào cũng hiểu biết pháp luật về quyền lợi của mình trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Họ không hiểu rằng mình là đối tượng được pháp luật ghi nhận quyền đương nhiên được hưởng trợ giúp pháp lý từ các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước mà trực tiếp là các luật sư, t0rợ giúp viên pháp lý.

Thứ ba, các trung tâm trợ giúp pháp lý chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm, tuyên truyền, vận động và tạo sự tin tưởng hỗ trợ pháp lý giúp cho người khuyết tật khi đến yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Đây là một vấn đề thực tế, vì quá trình tham gia tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, trong đó có người khuyết tật tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, tôi chứng kiến không ít trường hợp người thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong các vụ việc.

Tuy nhiên, sau một thời gian thì họ lại chấm dứt nhận trợ giúp pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý mà lại sử dụng dịch vụ pháp lý của các công ty luật, văn phòng luật sư. Trong vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi đó là chưa có sự hiểu và thông cảm của hai bên (người được trợ giúp pháp lý và luật sư, trợ giúp viên pháp lý).

Thứ tư, các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý chưa thật sư chú trọng, tâm huyết trong công tác trợ giúp pháp lý và sẻ chia với người khuyết tật. Để trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, luật sư không những chỉ tư vấn các quy định pháp luật thực định đối với vụ việc của họ, mà luật sư cần phải thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm những mảnh đời, hoàn cảnh và thiệt thòi của người khuyết tật. Nếu người khuyết tật đã nhờ đến luật sư bào chữa hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình, thì họ là “thân chủ” của luật sư. Vì thế phải đối xử tôn trọng và không có thái độ kỳ thị, hoặc xa lánh, làm qua loa chiếu lệ cho xong chuyện.

Trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội của luật sư được quy định trong Luật Luật sư, đó là nghĩa vụ tham gia trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách, người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Người khuyết tật năm 2010.

Luật sư không thể từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm mà pháp luật giao phó; nếu làm như vậy thì luật sư đã vi phạm nghĩa vụ luật sư theo Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, thực tế không phải luật sư nào cũng ý thức được điều đó và sẵn sàng tham gia đảm nhận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Vì thực tế là vất vả, thường không có thù lao, trong khi luật sư phải tự lo kinh tế để duy trì cuộc sống, để hành nghề luật sư. Đây là tình huống vừa khó cho cả người được trợ giúp và cả luật sư vì nếu nhận trợ giúp pháp lý thì ảnh hưởng đến thời gian, công việc khác, thậm chí ảnh hưởng đến doanh thu, kinh tế của chính luật sư. Nhưng nếu đã nhận trợ giúp pháp lý thì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, pháp luật không cho phép luật sư làm qua loa, chiếu lệ cho xong chuyện.

Luật sư là người được hành nghề tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý, là những người được đào tạo và có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực pháp luật, có kinh nghiệm thực tế giải quyết các vụ việc pháp lý.

Đối với những vụ việc pháp lý phức tạp thì vai trò luật sư tham gia tư vấn định hướng và giải quyết sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, không để kéo dài phức tạp.

Hơn hết, sự tham gia của luật sư sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người khuyết tật, vốn đang rất cần sự giúp đỡ nhiều phía từ cộng đồng, xã hội. Việc các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thể hiện trách nhiệm của luật sư đối với xã hội, đối với đối tượng chính sách, người khuyết tật, thể hiện sự nhân văn, cao quý của nghề nghiệp.

Để công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được hiệu quả, chất lượng thì không thể thiếu vai trò, sự tham gia chung sức, trí tuệ, tâm huyết của giới luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên