Tham dự buổi làm việc, về phía Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, cùng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật; Luật sư Lê Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật; Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng đại diện các Ủy ban của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Buổi làm việc do ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì, điều hành.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương cho biết, buổi làm việc nhằm mục đích trao đổi, thảo luận, chia sẻ để phát huy vị trí vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư trong công tác phổ biến và thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp xác định vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác này là vô cùng quan trọng.
Qua những trao đổi về các mục tiêu đã đặt ra và kết quả đạt được, từ đó có những kế hoạch phối hợp cụ thể hơn, phát huy những mặt tích cực; nhận định những hạn chế, bất cập và đưa ra các đề xuất, kiến nghị.
Tại buổi làm việc, Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã báo cáo tóm tắt tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và một số kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
Theo đó, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, với hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chính vì thế yêu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện pháp luật sẽ trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước, của nhân dân và toàn thể xã hội trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ Luật sư là hết sức quan trọng, bởi bản chất nghề nghiệp và khả năng của đội ngũ Luật sư là có thể đóng góp tích cực vào hai nội dung trên. Do vậy, mỗi Luật sư và cả đội ngũ Luật sư cần ý thức trách nhiệm để cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và xã hội. Từ đó sẽ đóng góp vào công việc chung của đất nước.
Sau Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được củng cố về tổ chức và hoạt động. Theo đó, bộ máy nhân sự đã được kiện toàn; các quy chế hoạt động đã được rà soát, hoàn chỉnh; kế hoạch hoạt động đã được xây dựng, ban hành phù hợp với tình hình mới. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp tốt với các Đoàn Luật sư trong công tác tự quản, trong đó có công tác tuyên truyền PBGDPL.
Đáng chú ý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả như: Mô hình trợ giúp pháp lý; mô hình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; mô hình tuyên truyền, phổ biến nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ Luật sư trong toàn quốc; mô hình tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý; mô hình câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế.
Trong đó, hoạt động truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Trang thông tin điện tử của Liên đoàn đã đăng tải nhiều tin, bài liên quan đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, về trợ giúp pháp lý của Luật sư để Nhà nước và cộng đồng xã hội hiểu và biết về Luật sư và nghề Luật sư, những đóng góp của đội ngũ Luật sư trong hoạt động tư pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng pháp luật.
Tạp chí Luật sư Việt Nam của Liên đoàn đã thông tin về nhiều sự kiện, chuyên đề chuyên sâu trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, thực hiện và thi hành pháp luật tới độc giả đội ngũ Luật sư và cộng đồng xã hội.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động trong đó có công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức các khóa bồi dưỡng cho Luật sư bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meetings.
Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử xuất bản hàng ngày đã cập nhật các hoạt động Đảng, nhà nước, các văn bản pháp luật mới ban hành. Đặc biệt với các bài nghiên cứu chuyên sâu giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể trong cuộc sống. Tạp chí Luật sư thực sự là diễn đàn ngôn luận để nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng cho các Luật sư trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử thường xuyên giới thiệu văn bản pháp luật mới của các cơ quan, ban ngành, tiến hành trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người dân qua việc giải đáp pháp luật các tình huống cụ thể, tiến hành phản biện các văn bản, chính sách mới, tuyên truyền về các hoạt động của giới Luật sư và các hoạt động của Đảng, Nhà nước...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền PBGDPL của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như:
- Công tác PBGDPL được triển khai trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp và trong hoạt động hành nghề Luật sư tuy đạt được một số kết quả ban đầu nhưng chưa vững chắc, chưa trở thành hoạt động thường xuyên trong hoạt động hành nghề của các Luật sư.
- Công tác tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư còn bị động và mang tính phong trào, chưa có kế hoạch vững chắc hàng năm. Công tác tổng kết rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng hàng năm còn chưa được triển khai đều trong tất cả các Đoàn Luật sư và ở cấp Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Kinh phí hoạt động cho công tác PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do các Đoàn Luật sư và các Luật sư tự nguyện đóng góp, chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
- Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ còn sử dụng là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền pháp luật như tủ sách pháp luật, loa truyền thanh ở phường hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tính khả thi trong thực hiện, trong đó chú ý tới việc phát huy vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư, cá nhân các Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư tham gia công tác này. Nghiên cứu việc giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam một số chương trình, kế hoạch của nhà nước trong công tác PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để Liên đoàn có thể tham gia, đóng góp hiệu quả.
Đồng thời, cần bổ sung quy định trong Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư. Thực hiện tốt trách nhiệm tuyên truyền pháp lý vì cộng đồng, vì người nghèo thì là trách nhiệm của Đoàn Luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư và của mỗi Luật sư.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Đề án Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn mới; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số khả thi, hiệu quả trong công tác PBGDPL; có những nền tảng PBGDPL dành riêng cho mỗi đối tượng được PBGDPL; phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi- đáp, tình huống; phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa.
Đối với Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị bộ có kế hoạch giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam một số nội dung và nhiệm vụ cụ thể về công tác tuyên truyền PBGDPL hàng năm. Nghiên cứu cơ chế, chính sách hướng dẫn, thu hút các tổ chức hành nghề Luật sư, Luật sư tham gia PBGDPL.
Tại buổi làm việc các đại biểu tham dự cũng đã có những trao đổi, chia sẻ để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao công tác chuẩn bị, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, tập trung vào vấn đề thực tiễn trong công tác PBGDPL, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư và giới Luật sư cả nước đã có những đóng góp rất tích cực, với 5 mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Đây là nguồn lực quan trọng, chủ chốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Kết quả công tác PBGDPL của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bám sát được nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Thứ trưởng bày tỏ sự ghi nhận và biểu dương các kết quả đạt được của giới Luật sư trong thời gian qua đối với người dân và các cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng cũng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan thường trực Bộ Tư pháp để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức của giới Luật sư về sự tham gia trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn chỉ đạo 63 Đoàn Luật sư phối hợp với UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; làm tốt công tác thống kê kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật của các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư;... Từ đó, nâng cao vai trò và vị thế của Luật sư trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp thu, nghiên cứu một cách nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Liên đoàn sẽ tích cực phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu đội ngũ Luật sư Việt Nam cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, Chủ tịch cũng giao Trung tâm Tư vấn pháp luật xây dựng đề án về việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư với các cấp Trung ương và địa phương.
THANH THANH - HOÀNG LÂM