Cảm giác đầu tiên của các đối tượng được quan tâm và thụ hưởng này là thất vọng. Họ đã chờ đợi được tăng lương hưu và trợ cấp từ lâu lắm rồi. Năm 2019 rồi 2020 lần lượt trôi qua không được tăng lương hưu theo lộ trình đã vạch ra trước đó và hẳn là việc lấy ý kiến cho 2 phương án kể trên thì họ tiếp tục phải chờ đến năm sau trong khi giá cả mọi thứ thì tăng đột biến hàng ngày (giá xăng dầu chẳng hạn).
Không phải chờ đợi lâu, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và tiền lương lập tức lên tiếng. Có ý kiến quả quyết rằng không thể tăng lương hưu vào tháng 7 năm nay được vì đang dịch bệnh, kinh tế khó khăn (lý do để 2 năm liền không tăng lương) và nếu tăng lương hưu thì phải tính đến việc tăng lương cho những người đang làm việc, thế mới công bằng. Có ý kiến đề nghị không tăng lương hưu vội vì ngân sách phải bỏ ra một khoản tiền lớn trong khi đang phải trợ giúp doanh nghiệp, chăm lo chống dịch,...; nếu tăng lương hưu, đổ một lượng tiền lớn vào lưu thông sẽ làm lạm phát tăng và kêu gọi người hưu trí tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, nên để đến tháng 7/2022 mới tăng...
Đương nhiên, khoảng 3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội không nghĩ như các chuyên gia nói trên. Họ đang phải hàng ngày, hàng giờ đối diện với cuộc sống khó khăn và đắt đỏ, tính toán chi li với đồng lương hưu còm cõi của mình. Theo thiển nghĩ của họ thì đó chính là tiền của họ đã đóng vào quỹ bảo hiểm trong suốt cuộc đời lao động của họ, hà cớ gì mà họ không được hưởng một cách xứng đáng trong những năm tháng cuối đời, phỏng còn được mấy người hưởng lương hưu đến năm 90 tuổi? Chưa kể, có người vừa cầm sổ hưu đã giã từ mà không được hưởng cuộc sống tươi đẹp này, thật đáng tiếc. Họ đau xót liên tưởng tới việc những người quyền thế nắm đồng tiền đóng quỹ bảo hiểm xã hội của họ đã vào tù bởi đem hàng trăm tỷ đồng cho vay lấy lãi sai quy định rồi trở thành nợ xấu, không đòi lại được. Tâm trạng này của họ được thể bằng những bình luận dưới các bài báo đề cập dự thảo lộ trình tăng lương hưu.
Những ngườu hưu trí và hưởng trợ cấp thuộc tầng lớp yếu thế của xã hội trong tất cả các mặt như sức khỏe, quyền thế, địa vị, cơ hội kiếm tiền, trọng lượng tiếng nói... nên rất cần sự quan tâm đến họ, có những chính sách ưu tiên, đó cũng là bảo đảm sự công bằng xã hội.
BÌNH SƠN
Đưa nội dung phòng chống Covid-19 vào nội quy làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh