/ Pháp luật - Đời sống
/ NFT trong Luật Sở hữu trí tuệ

NFT trong Luật Sở hữu trí tuệ

23/03/2022 04:26 |

(LSVN) - Thông thường khi một tác phẩm được tạo ra và bán đấu giá trên thị trường thì bản quyền sẽ thuộc về người sở hữu tác phẩm. Chính vì là một hiện tượng hoàn toàn mới nên quyền tác giả và người mua NFT sẽ gặp nhiều thách thức, rủi ro cao trong việc xác định bản quyền. Trên thực tế, ai cũng có thể sáng tạo và đăng bán các tác phẩm của mình trên thị trường. Các nền tảng đều được mã hóa nên việc sở hữu một tác phẩm chủ yếu dựa vào niềm tin là chủ yếu. Việc luật pháp chưa có quy chế quản lý chính là lỗ hổng cũng như không có biện pháp bảo vệ khi có gian lận xảy ra.

NFT hiện nay đang trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Những ngày gần đây, NFT được nổi lên như một phong trào mới, được biết, Non-fungible token (NFT) là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain (sổ cái kỹ thuật số). Chúng có thể được xem như đại diện cho một mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật. Nhìn từ góc độ khác, NFT còn là một token dạng mật mã.

Tuy nhiên, khác với những loại tiền mã hóa như bitcoin, và nhiều mạng lưới, cũng như token tiện ích, thì NFT không thể hoán đổi cho nhau, hay nói cách khác là fungible. Một NFT được tạo ra bằng cách tải một tệp lên thị trường đấu giá NFT. Những thị trường đấu giá ấy có thể là KnownOrigin, Rarible hoặc OpenSea.

Việc này sẽ tạo ra bản sao của một tệp được lưu lại trên sổ cái kỹ thuật số dưới dạng NFT. Người có nhu cầu có thể mua NFT bằng tiền mã hóa, sau này vẫn có thể bán lại.

Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm có thể bán nó dưới dạng NFT mà vẫn giữ được bản quyền, đồng thời tạo ra nhiều NFT trên cùng 01 tác phẩm. Người mua NFT không có quyền truy cập độc quyền vào tác phẩm, cũng như không có quyền sở hữu đối với tệp kỹ thuật số "gốc".

Người tải lên một tác phẩm nào đó dưới dạng NFT không nhất thiết phải chứng minh rằng mình là nghệ sĩ gốc.

Và cũng đã từng xuất hiện nhiều trường hợp các tác phẩm được mang ra đấu giá NFT mà không cần sự cho phép của người sáng tạo gốc.

NFT đã và đang được ứng dụng phổ biến nhất trong các loại nền tảng số như: Âm nhạc, tranh ảnh hay các nội dung nghệ thuật khác. Ví dụ, khi người họa sĩ bán một bức tranh dưới dạng NFT, người mua sẽ phải trả tiền và trở thành chủ nhân của nó. Những người khác vẫn có thể xem bức tranh, nhưng chỉ người mua mới có quyền sở hữu chính thức.

NFT có tiềm năng vô hạn khi có thể tồn tại trong tất cả các kiểu vật thể số: Hình ảnh, video, âm thanh, chữ viết hay thậm chí là một bài đăng Twitter. NFT còn có thể là những mảnh đất trong các môi trường thế giới ảo, là trang phục số hay quyền sử dụng ví tiền mã hóa độc quyền.

Vậy quy định pháp lý dành cho NFT là như thế nào? Liệu NFT có phải một dạng của việc đăng ký, sở hữu bản quyền hay không? Và cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò như thế nào đối với loại hình mới này, đã có chính sách cụ thể hay chưa?

Luật quy định thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019, các đối tượng được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ, được chia thành 03 nhóm gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp và Quyền sở hữu giống cây trồng.

Theo đó Bản quyền số thuộc về nhóm Quyền tác giả và quyền liên quan, những sản phẩm ở dưới dạng kỹ thuật số, như: Âm nhạc, phim, video, sách/báo điện tử, tranh vẽ, phần mềm...

Về sản phẩm nội dung số: Theo khoản 11, Điều 3, Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định: “Sản phẩm nội dung số là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng”.

Cụ thể gồm phần mềm cá nhân hoặc hình ảnh, phim ảnh số, nhạc số và các tài liệu số được cài đặt trên máy tính hoặc thiết bị thông minh nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu công việc cá nhân cũng như giải trí, không bao gồm mục đích kinh doanh.

Liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, các hành vi này đã được quy định rõ tại Điều 28 và Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 áp dụng với cả các hành vi xâm phạm bản quyền số, bao gồm: Sao chép hoặc tải về thiết bị một cách trái phép các phần mềm và file đa phương tiện có bản quyền; Mạo danh tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm trái phép; Sử dụng tác phẩm không được phép; Bẻ khoá; Sử dụng phần mềm đã bẻ khoá và Khuyến khích người khác sử dụng/chia sẻ các phần mềm vi phạm bản quyền…

NFT có phải một dạng của việc đăng ký, sở hữu bản quyền?

Như đã phân tích ở trên, NFT hay còn gọi là Non - fungible token là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain. Nhiều người sử dụng NFT để chứng minh quyền sở hữu đối với một sản phẩm nào đó nhờ blockchain.

Trong bối cảnh xem xét các NFT như một phiên bản độc nhất của tác phẩm có chữ ký điện tử của tác giả, có rất nhiều ý kiến cho rằng NFT hoàn toàn có thể được bảo vệ như một tác phẩm bởi lẽ: (1) Nó là do con người tạo ra, (2) nó được thể hiện ra bên ngoài dưới dạng mã hóa (token) và (3) nó là phiên bản độc nhất với sự kết hợp của các yếu tố có trong mã thông báo, chỉ có một mã token trên thế giới tồn tại với sự kết hợp của các thành tố trong đó có thể dẫn đến bản hiển thị của tác phẩm (sau đây gọi là NFT art).

Giả sử bản hiển thị này có sự sáng tạo của tác giả với đầy đủ các tính nguyên gốc cần có, NFT gắn với NFT art cũng tương tự như một bức ảnh chụp lại tác phẩm, một thạch bản giới hạn, một bản ghi ca khúc duy nhất.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bản quyền ở đây là bản quyền nằm ở NFT art mà NFT đại diện cho, chứ không phải chính bản thân đoạn mã NFT.

Như vậy, nếu tách NFT như một đoạn mã token đơn thuần, lập luận trên sẽ không còn chính xác vì giống như một mã QR code, NFT lúc này chỉ là một đường dẫn đến bản hiển thị kỹ thuật số của tác phẩm chứ không phải bản thân tác phẩm hay phiên bản kỹ thuật số đó.

Nói một cách khác, NFT chỉ là một chữ ký điện tử duy nhất được liên kết theo một cách nào đó với tác phẩm gốc hoặc phiên bản kỹ thuật số của tác phẩm gốc.

Ngoài ra, việc tạo ra các token không phải là sự sáng tạo của con người, nó là sự kết hợp có chủ đích của hai thành tố token ID (được tạo ra người dùng đăng ký token) và địa chỉ hợp đồng thông minh (một địa chỉ blockchain có thể được xem ở mọi nơi trên thế giới bằng cách sử dụng máy quét blockchain), cùng một số yếu tố ngẫu nhiên khác được sắp xếp bởi thuật toán máy tính.

Dường như không có sự sáng tạo nào ở đây và bất kỳ thứ gì, kể cả sản phẩm được bảo vệ bản quyền hoặc không được bảo vệ bản quyền, một khi đã được số hóa đều có thể trở thành NFTs.

“Lỗ hổng” của Luật Sở hữu trí tuệ?

Tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý nói chung và về vấn đề sở hữu trí tuệ nói riêng để quản lý trong tương lai có thể sẽ dẫn tới những hành vi lợi dụng NFT để thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Vấn đề bản quyền trên thị trường NFT ngày càng trở nên nhức nhối. Nhiều tác giả đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi tác phẩm nghệ thuật bị biến thành NFT và bán trên các nền tảng trực tuyến khi chưa xin phép.

Một trường hợp vi phạm rất phổ biến hiện nay đến từ việc tạo ra NFT một cách dễ dàng thông qua các nền tảng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng đã tự ý tạo ra NFT từ các tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu, hành vi này về bản chất cũng giống như đăng tải phim lên các website phim lậu, chép lại các bức tranh của người khác rồi đem bán, in sách lậu và bán, livestream lậu các trận bóng đá, các bài hát mà chưa được cho phép.

Như vậy, việc NFT hóa một tác phẩm của người khác, kể cả tác phẩm vật lý và tác phẩm số hóa để sử dụng, mua bán là các hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra, việc tạo ra NFT có chứa các yếu tố có liên quan đến bản quyền của người khác cũng là một trong những trường hợp dễ gặp, đặc biệt là với các NFT art dưới dạng video/GIF trong đó có chứa hình ảnh hay âm nhạc bản quyền của người khác mà không thuộc trường hợp được sử dụng hợp lý.

Thông thường khi một tác phẩm được tạo ra và bán đấu giá trên thị trường thì bản quyền sẽ thuộc về người sở hữu tác phẩm. Chính vì là một hiện tượng hoàn toàn mới nên quyền tác giả và người mua NFT sẽ gặp nhiều thách thức, rủi ro cao trong việc xác định bản quyền.

Trên thực tế, ai cũng có thể sáng tạo và đăng bán các tác phẩm của mình trên thị trường. Các nền tảng đều được mã hóa nên việc sở hữu một tác phẩm chủ yếu dựa vào niềm tin là chủ yếu.

Việc luật pháp chưa có quy chế quản lý chính là lỗ hổng cũng như không có biện pháp bảo vệ khi có gian lận xảy ra.

Việc Luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định nào để áp dụng cho NFT trong tương lai có thể dẫn đến những hành vi gian lận, xâm phạm.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn phải hoàn thiện rất nhiều để tiến tới công nhận NFT cũng như các tài sản ảo nói chung, bởi việc công nhận loại tài sản này sẽ kéo theo phải sửa đổi rất nhiều những Luật, Nghị định, Thông tư liên quan như Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại,…

Vai trò của Nhà nước trong việc quản lý NFT

Tại Việt Nam, dự báo được xu thế phát triển của công nghệ số, Đảng ta đã có định hướng cho phát triển công nghệ giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là: “Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, Chương trình “chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được xây dựng. Nhiều đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công nghệ thông tin cũng đã được ban hành.

Theo đó, đến nay vẫn chưa quy định cụ thể nào đối với các tài sản mã hóa nói chung và NFT nói riêng. Các giao dịch NFT hiện nay không được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản, cho nên chưa thể đánh thuế vào phần lợi tức phát sinh của nhà đầu tư.

Như các loại tiền ảo, NFT vẫn chưa được kiểm soát và chưa được phân loại là loại tài sản nào theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra và bán tài sản NFT và không có gì đảm bảo cho giá trị của nó. Trong một thị trường có quá nhiều người tham gia sử dụng biệt danh, nạn lừa đảo cũng là một nguy cơ lớn. Do vậy, loại hình này cần có sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới đòi hỏi phải có những bổ sung pháp lý nhằm giải quyết các phát sinh tồn tại. Cần xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, nhằm tạo khung pháp lý tổng thể, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển công nghệ số.

Theo đó, luật sẽ bổ sung quy định mới về tạo thị trường, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; Về vốn đầu tư, ưu đãi; Về chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ Made in Viet Nam; Về kết cấu hạ tầng công nghệ số; Bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư người dùng; Xử lý tranh chấp cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, dân sự trên môi trường số… Cần bước đầu triển khai nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp đẩy nhanh hoàn thiện chính sách quản lý đối với thị trường blockchain, tiền ảo, tài sản kỹ thuật số để theo kịp đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các hình thức giao dịch, thanh toán bùng nổ trên không gian mạng.

Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của công nghệ mới, đồng thời tăng cường cảnh báo những rủi ro của việc đầu tư, kinh doanh, giao dịch ở những lĩnh vực chưa được pháp luật quy định.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Lấy tên người đặt cho chó, ngựa: Xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng