Theo hãng thông tấn Nga TASS ngày 24/12, lệnh cấm sẽ được áp dụng tại 10 khu vực đang thiếu điện, gồm các nước cộng hòa phía Nam như Dagestan, Ingushetia, Kabardino-Balkaria, Karachay-Cherkessia, Bắc Ossetia và Chechnya, cũng như các khu vực mới sáp nhập Nga là các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng cũng như các khu vực Zaporozhye và Kherson.
Các biện pháp tạm thời cấm khai thác tiền điện tử sẽ được áp dụng trong các giai đoạn tiêu thụ năng lượng cao điểm tại ba khu vực khác là Irkutsk, Buryatia và Transbaikal.
Danh sách các khu vực bị ảnh hưởng có thể dài hơn tùy theo nhu cầu từ ngành điện của Nga. Chính phủ Nga đã cho rằng các biện pháp này nhằm cân bằng việc sử dụng điện trong khi ưu tiên nhu cầu cho công nghiệp.
Động thái này là một phần trong nỗ lực quản lý tài nguyên năng lượng một cách hiệu quả và giải quyết tình trạng thiếu điện, đồng thời đáp ứng yêu cầu công nghiệp.
Bình luận về đề xuất này vào tháng trước, Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề năng lượng của Nga, ông Aleksandr Novak, cho biết hoạt động khai thác tiền mã hóa chỉ có thể hữu ích ở các khu vực có khả năng cung cấp điện dư thừa.
Ông Novak giải thích: Khai thác tiền điện tử có tác động tích cực là có thể cân bằng tải điện và làm giảm chi phí cụ thể, nhưng có mặt tiêu cực là “ngốn” tất cả công suất có sẵn, cản trở kết nối khách hàng mới vào lưới điện.
Quyết định nói trên diễn ra sau khi Nga hợp pháp hóa khai thác tiền điện tử. Vào tháng 10, Nga đã thông qua một đạo luật quy định các quy tắc hoạt động khai thác tiền điện tử.
Khung pháp lý cũng yêu cầu các cá nhân khai thác tiền điện tử phải đăng ký với Cục Thuế Liên bang, cung cấp thông tin chi tiết về tài sản của mình.
Các quy định này đã đưa ra các khái niệm như khai thác tiền điện tử, các nhóm khai thác và các nhà điều hành cơ sở hạ tầng khai thác, đồng thời xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường khai thác tiền điện tử.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra vấn đề quản lý tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số vào đầu năm nay, gọi đây là một lĩnh vực kinh tế đầy triển vọng và kêu gọi tạo điều kiện lưu thông tài sản kỹ thuật số, cả trong nước và với các đối tác nước ngoài.
Hồi tháng 11, Bộ Tài chính Nga đã trình bày một dự thảo luật áp dụng thuế đối với các giao dịch tiền mã hóa và hoạt động khai thác tiền mã hóa của các cá nhân.
Theo Interfax, tiền điện tử sẽ được pháp luật công nhận là tài sản. Thu nhập từ tiền điện tử sẽ bị đánh thuế với mức 15% đối với các cá nhân kiếm được 24.000 USD mỗi năm từ các hoạt động tiền điện tử. Mức 13% sẽ áp với những người kiếm dưới mức này. Các mức thuế dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm sau. Theo đề xuất, thu nhập từ tiền điện tử sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Dự thảo mới này là một phần trong nỗ lực của Nga để kiểm soát ngành tiền điện tử.