/ Tin thế giới
/ Nga mở đường cho các hãng hàng không nội địa sử dụng 500 máy bay nước ngoài

Nga mở đường cho các hãng hàng không nội địa sử dụng 500 máy bay nước ngoài

15/03/2022 02:25 |

(LSVN) - Tổng thống Putin vừa ký đạo luật mở đường cho các hãng hàng không Nga được đăng ký ở nội địa với khoảng 500 máy bay, trị giá 10 tỉ USD thuê của các công ty nước ngoài.

Máy bay do Airbus sản xuất của hãng hàng không Nga Aeroflot tại sân bay quốc tế Sheremetyevo - Moskva. Ảnh: Getty Images.

Theo Reuters, ngày 24/3, Nga đã thông qua luật cho phép các hãng hàng không của nước này chuyển đội máy bay thuê từ các công ty nước ngoài sang đăng ký trong nước và được cấp chứng nhận đủ điều kiện bay. Động thái này có thể làm phương Tây lo ngại về một vụ vỡ nợ hàng loạt liên quan đến khoảng 500 chiếc máy bay, trị giá 10 tỉ USD đang được công ty nước ngoài cho thuê tại Nga. Dự luật, do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký, đã khiến các công ty cho thuê máy bay toàn cầu xôn xao khi chỉ còn ít ngày là đến thời hạn 28/3 phải thu hồi số máy bay trị giá 10 tỉ USD theo yêu cầu của Liên minh châu Âu khi áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.

Hãng tin nhà nước Nga, TASS cũng dẫn các quy định mới được công bố ngày 14/3 cho biết, Điện Kremlin sẽ cho phép nhà chức trách Nga cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho các máy bay thuê của nước ngoài và đăng ký chúng tại Nga. Luật này đã có hiệu lực vào tuần trước. Các hãng hàng không Nga hiện có gần 780 máy bay thuê, với 515 máy bay được thuê từ nước ngoài.

Luật mới nói trên - một phần trong các biện pháp của Nga nhằm chống lại các lệnh trừng phạt – được nhà chức trách Nga tuyên bố là nhằm "đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn trong lĩnh vực hàng không dân dụng". Luật được đưa ra sau khi Bermuda và Ireland, nơi đăng ký của hầu như tất cả các máy bay thuê của nước ngoài hoạt động ở Nga, cho biết họ đã đình chỉ chứng nhận đủ điều kiện hàng không đối với các máy bay này vì không còn chắc chắn rằng chúng được an toàn.

Việc đăng ký lại các máy bay thuê của nước ngoài ở Nga nhằm mục đích đảm bảo cho phi đội này quyền bay trong nước, nhờ được nhà chức trách Nga cấp các phê duyệt an toàn mới. Tuy nhiên, việc Nga trở thành quốc gia cấp đăng ký thứ hai có thể khiến Moskva đối mặt với các quy tắc quốc tế về cấm đăng ký máy bay dân dụng tại nhiều quốc gia cùng một lúc. Để không vi phạm, các công ty cho thuê phương Tây phải đồng ý với yêu cầu của Nga về giải phóng máy bay của họ khỏi cơ quan đăng ký nước ngoài, nhưng điều này được cho là khó có thể xảy ra trong khi họ đang tìm cách để giành lại quyền kiểm soát tài sản. Bên cạnh đó, chính sách mới cũng mở đường cho những cuộc tranh cãi lớn về hợp đồng.

Cố vấn hàng không Bertrand Grabowski cho biết: "Việc đăng ký máy bay mà không có bằng chứng về việc hủy đăng ký từ cơ quan đăng ký trước đó cũng như sự đồng ý của chủ sở hữu là bất hợp pháp. Đây là hành vi mặc định trong các hợp đồng cho thuê". Về mặt kỹ thuật, luật mới không hướng dẫn các hãng hàng không Nga đăng ký lại đội máy bay thuê mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, dẫn đầu làAerCap (AER.N), công ty cho thuê hàng không lớn nhất thế giới có trụ sở tại Dublin (Ireland).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết điều đó khiến hãng hàng không đứng trước lựa chọn phải đăng ký mới để tiếp tục bay nội địa - có nguy cơ ảnh hưởng đến mối quan hệ với những công ty cho thuê quyền lực một khi cuộc khủng hoảng kết thúc - hoặc không làm gì cả và đứng nhìn phi đội máy bay phải nằm đất. Các lệnh trừng phạt và việc đóng cửa không phận trả đũa qua lại liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã cắt đứt thị trường đi lại hàng không của nước này với thế giới. Hai nhà sản xuất Boeing và Airbus cho biết họ sẽ không cung cấp phụ tùng cho các hãng hàng không Nga nữa. Điều đó có thể buộc các hãng hàng không Nga phải “mổ xẻ” chính máy bay của mình để lấy các bộ phận cần thay thế.

Tuần trước, Aeroflot và S7, hai trong số các hãng hàng không lớn nhất của Nga, đã ngừng các đường bay quốc tế. Các chuyến bay ra nước ngoài của họ có thể cho phép công ty cho thuê thu hồi lại máy bay.

TTXVN

Bàn về quy định tại Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Lê Minh Hoàng