Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép chủ yếu diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Bắc Trung Bộ giáp Lào và Tây Nguyên. Các đối tượng vì hám lợi đã vượt biên mua và vận chuyển trái phép vào Việt Nam chủ yếu bằng các phương tiện giao thông đường bộ, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong phát hiện, xử lý.
Nguyên nhân của tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép là do nhu cầu sử dụng pháo của người dân vào dịp Tết; nhu cầu này không hề giảm mà liên tục gia tăng so với các năm trước. Bất chấp quy định của pháp luật, một số người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn mua pháo để đốt vào dịp Tết, chủ yếu là vào đêm giao thừa. Hành vi đốt pháo nổ xảy ra khá phổ biến, trong khi đó lực lượng chức năng không đủ để ra quân xử phạt, đồng thời, hành vi vi phạm diễn ra vào thời điểm nhạy cảm nên lượng chức năng ngại xử phạt; nhiều trường hợp chỉ nhắc nhở, bỏ qua vi phạm nên ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên chưa cao.

Ảnh minh họa.
Việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép gia tăng vào những ngày giáp Tết do lợi nhuận “khủng” mang lại. Các đối tượng cất giấu pháo lậu dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm qua mắt lực lượng chức năng như giấu dưới hầm xe ô tô, giấu trong các bao tải chứa hàng hóa trên xe khách rồi đưa qua biên giới để về nội địa, nhất chuyển pháo lậu qua biên giới do những người làm nghề lao động tự do mang, vác thuê qua đường mòn, lối mở biên giới,…
Việc sử dụng pháo lậu gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội; không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân. Và thực tế, đã và đang đã xảy ra nhiều vụ thương tích, thậm chí chết người do pháo nổ, nhất là các thanh thiếu niên tự mua nguyên vật liệu gồm bột lưu huỳnh, KCl, natri, bột than, giấy chế tạo pháo trên mạng xã hội để về tự chế pháo nổ; đồng thời, việc sử dụng pháo trái phép có nguy cơ gây ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để ngăn chặn hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép cần phải tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo…Mặt khác, lực lượng công an cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi vi phạm về pháo, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự; địa phương giáp biên giới.
Chính quyền địa phương tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, rà soát, lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn phạm tội để có biện phạm quản lý, đấu tranh, ngăn chặn.
Khi bắt giữ các các đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép cần phải tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy đinh và công khai để dư luận được biết. Đặc biệt, đối với những vụ việc đã bị khởi tố thì khi tiến hành xét xử cần tổ chức các phiên tòa lưu động để người dân tham gia, lắng nghe việc xét xử, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Bênh cạnh đó, cần phải bố trí đủ lực lượng để túc trực vào dịp Tết, nhất là đêm giao thừa để xử lý nghiêm các trường hợp đốt pháo trái phép; kiên quyết xử lý đến cùng, không nể nang, né tránh, ngại va chạm. Có như vậy, mới kéo giảm tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép đang diễn biến rất phức tạp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề hiện nay.