Tòa án huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Theo đơn tố cáo của ông Ngô Trí Văn: Ngày 12/10/2021 ông trực tiếp lên Tòa án nhân dân huyện Đô Lương gửi đơn khởi kiện, Tòa nhận đơn, nhưng không cấp giấy xác nhận khởi kiện. Như vậy, Tòa vi phạm khoản 1, Điều 191, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Khi nhận đơn khởi kiện trực tiếp Tòa có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện”.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại thụ lý đơn khởi kiện của ông, nhưng không thông báo cho ông biết kết quả xử lý đơn, vi phạm khoản 4, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 điều này phải được ghi vào sổ nhận và thông báo cho người khởi kiện qua cổng thông tin của Tòa (nếu có)”. Vi phạm khoản 1, Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện”.
Khoản 1, Điều 196, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án”. Ông Ngô Trí Văn là nguyên đơn không được Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại thông báo thụ lý vụ án. Mãi tới ngày 05/9/2022, ông Ngô Trí Văn lên Tòa án huyện Đô Lương đề nghị Thấm phán Nguyễn Xuân Đại cung cấp thông báo thụ lý vụ án. Ông Đại bảo: “Chúng tôi đã chuyển qua đường bưu điện cho anh, do bưu điện làm thất lạc”. Sau đó ông Đại mở máy vi tính ra kiểm tra thì không có thông báo thụ lý vụ án gửi cho ông Văn. Ông Đại đưa cho ông Văn bản thông báo thụ lý gửi cho Viện Kiểm sát huyện Đô Lương. Ông Văn mới biết ngày 18/02/2022, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương đã ra thông báo thụ lý vụ án. Vụ án đã thụ lý gần 8 tháng mà Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại không gửi thông báo cho nguyên đơn. Ông Văn vô cùng thất vọng với tác phong làm việc, việc chấp hành pháp luật, làm sai còn đồ lỗi cho bưu điện của Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại chủ trì nhiều phiên hòa giải ông Ngô Trí Văn không được triệu tập. Nguyên đơn không nhận được biên bản hòa giải. Duy nhất có một lần vào lúc 14h ngày 20/7/2022, ông Văn có nhận được biên bản hòa giải. Nhưng biên bản không có chữ ký của Thẩm phán chủ trì, thư ký Tòa ghi biên bản, các đương sự tham gia. Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại vi phạm khoản 4, Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 22015: “Biên bản phải có đầy đủ chữ ký, hoặc điểm chỉ những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia có quyền xem biên bản ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận hoặc điểm chỉ”.
Ngày 28/9/2022, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại không gửi giấy triệu tập phiên tòa cho ông Ngô Trí Văn. Ông Ngô Trí Văn lên Tòa án nhân dân huyện Đô Lương trực tiếp hỏi Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại: “Tôi là nguyên đơn vì sao không có giấy triệu tập phiên Tòa”. Ông Đại trả lời: “Chúng tôi đã gửi giấy triệu tập phiên Tòa cho anh qua đường bưu điện. Anh về bưu điện mà hỏi”.
Vào lúc 14h ngày 30/8/2022 ông Ngô Trí Văn đến Bưu cục thành phố Vinh, ở số 2, đường Nguyễn Thị Minh Khai hỏi. Thì Bưu cục trả lời và ghi vào giấy xác nhận cho ông Văn: “Bưu cục thành phố Vinh không nhận được một mã đơn nào của Tòa án huyện Đô Lương gửi cho ông Ngô Trí Văn ở khối 5, phường Quán Bàu”. Nhân viên Bưu cục hướng dẫn ông Văn lên gặp Tòa án huyện Đô Lương xin cấp mã vận đơn gửi cho bưu điện thành phố Vinh đem về đây chúng tôi kiểm tra thông tin cho.
Ngày 31/8/2022, ông Ngô Trí Văn lên Tòa án huyện Đô Lương, chờ mãi khoảng 10h45 mới gặp được Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại tại phòng làm việc. Ông Ngô Trí Văn nhẹ nhàng thưa: “Tôi đã làm việc với Bưu cục thành phố Vinh, có giấy xác nhận ở đây, họ hướng dẫn lên xin anh cho mã vận đơn Tòa án huyện Đô Lương gửi cho bưu điện thành phố Vinh về họ kiểm tra thông tin giúp”. Chưa nghe hết lời trình bày của ông Văn, Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại nổi đóa quát nạt: “Tòa án không cung cấp cho ai một loại giấy tờ gì cả, đó là nguyên tắc”. Ông Văn cố kiềm chế, ôn tồn thưa với Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại: “Tôi là một công dân, nguyên đơn của vụ án ông đã thụ lý, đến làm việc sao ông lại quát nạt tôi như vậy”. Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại trừng mắt đuổi ông Văn ra khỏi phòng. Anh em trong cơ quan nghe ông Đại quát nạt ông Văn nhiều người đến xem, có người khuyên có gì sai bác về viết đơn.
Ông Văn cho rằng, Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại không gửi giấy triệu tập phiên Tòa ngày 28/8/2022 cho ông là tước bỏ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, được pháp luật cho phép. Quát nạt ông Văn, đuổi ông Văn ra khỏi phòng làm việc, trong khi ông Văn không làm gì vi phạm đến pháp luật là ông Nguyễn Xuân Đại vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường đương sự. Theo khoản 8, Điều 70, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự: “Đương sự được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2, Điều 109 Bộ luật này”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Thẩm phán: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp đỡ dân, học dân”. Theo ông Ngô Trí Văn, Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại không hiểu dân, không giúp đỡ dân, gây khó khăn, phiên hà, sách nhiễu dân, không trung thực với dân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vi phạm nhiều điều trong Bộ Quy tắc, đạo đức ứng xử của Thẩm phán, ban hành theo Quyết định số: 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Cụ thể vi phạm khoản 1, Điều 7: “Trong mọi hoạt động của mình Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng, duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng, luôn thể hiện kiên nhẫn, nhân ái với các bị cáo, đương sự người tham gia tố tụng khác”. Vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 10: “Bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết vụ việc, lắng nghe tôn trọng ý kiến của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng” và điểm c, khoản 1, Điều 10: “Giải thích hướng dẫn, tạo điều kiện cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật”. Vi phạm điểm e, khoản 2, Điều 10: “Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng”.
Sau khi nhận đơn tố cáo của ông Ngô Trí Văn chúng tôi đến làm việc với ông Phan Văn Nguyễn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đô Lương nêu những nội dung ông Ngô Trí Văn tố cáo Thẩm phán Nguyễn Xuân Đại. Ông Nguyễn trả lời vụ án đã xét xử, tất cả tài liệu chúng tôi đã gửi xuống Tòa án tỉnh và hướng dẫn chúng tôi xuống Tòa án tỉnh làm việc theo quy định.
Ngày 23/9/2022, chúng tôi đến làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Trình giấy giới thiệu cho ông Chánh văn phòng, ông hướng dẫn chúng tôi sang gặp chị Phạm Thị Ngọc Quyên, Phòng Tiếp dân. Gặp chị Quyên chúng tôi đăng ký nội dung làm việc với Chánh án Tòa án tỉnh. Chờ không thấy hồi âm sáng ngày 27/9, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Chánh án không trả lời. Gọi điện thoại hỏi chị Quyên về nội dung tôi đăng ký làm việc đề nghị Tòa xếp lịch. Chị Quyên bảo sắp xếp chị Tuyết làm việc và cho tôi số điện thoại chị Tuyết. Chiều cùng ngày, tôi gọi điện thoại cho chị Tuyết đề nghị cho thời gian làm việc. Chị Tuyết bảo việc này không phải nhiệm vụ của tôi, để tôi hỏi lại. Tôi đề nghị chị Tuyết thông tin lại cho biết. Chị Tuyết đồng ý. Tôi chờ mãi không thấy chị Tuyết hồi âm.
Chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xử lý những nội dung ông Ngô Trí Văn tố cáo như đã nêu trên để vừa giữ gìn kỷ cương pháp luật vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
HẢI HƯNG
Hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai